Thể thao

Vì sao chỉ có bầu Đức và bầu Thắng đòi bỏ bóng đá?

Từ chuyên gia bóng đá đến cựu Chủ tịch VFF đều nhìn thấy cái sai cơ bản của chuyện VPF đang có nguy cơ bị VFF chi phối nhưng nghịch lý là nhiều đội bóng chọn cách im lặng.

Từ câu hỏi của ông Chủ tịch VFF

Hôm qua, cựu Chủ tịch VFF khóa V và VI - ông Nguyễn Trọng Hỷ nói về VPF trên Saostar: “Đúng ra, chúng ta phải làm Đại hội VFF trước sau đó mới tiến hành Đại hội VPF. Một giả thiết đặt ra là anh Tú bây giờ trở thành phó Chủ tịch VFF (trong trường hợp Đại hội VFF trước) thì làm sao anh ấy sang làm Chủ tịch VPF được. Bởi anh Tú chỉ là người đại diện góp vốn cho VFF.

Bây giờ, anh ấy làm Chủ tịch rồi thì VPF và VFF phải tính toán lại làm sao hợp lý. Bởi làm theo chiều thuận như tôi nói ở trên thì không xảy ra câu chuyện như hiện tại. Vì anh ấy làm phó Chủ tịch tài chính rồi thì VFF sẽ không cử sang làm Chủ tịch VPF. Trước kia, anh Dũng cũng chỉ là người đại diện vốn thôi.

Ông Nguyễn Trọng Hỷ và bầu Đức.

Thế nên, chúng ta đã tổ chức Đại hội VPF quá sớm. Họ tổ chức lúc nào cũng được sau thời hạn 3 năm nhưng Đại hội VFF muốn tổ chức phải được chính phủ cho phép.

Tôi nghĩ chuyện này thì những người trong cuộc đã nghĩ đến có hợp lý hay không, chứ không phải làm thế nào cũng được. Chúng ta phải làm sao cho có tính khách quan cao nhất.

Có được điều này thì chúng ta mới nói với quốc tế là Việt Nam chính thức bước vào con đường chuyên nghiệp hóa bóng đá”.

Ông Nguyễn Trọng Hỷ rõ ràng nhìn thấy sự bất cập ở hiện tại nhưng nói giảm, nói tránh bằng cách nêu ra câu hỏi để dư luận tự có câu trả lời: Nếu Đại hội VFF diễn ra trước, trong trường hợp bầu Tú làm phó Chủ tịch VFF, liệu có được VFF cử sang làm Chủ tịch VPF?

Một câu hỏi đáng suy ngẫm trong bối cảnh bóng đá Việt Nam rối rắm. Bản thân ông Hỷ cho rằng chuyện tranh cãi trong thời gian qua không phải để tranh ghế, tranh quyền mà nhằm giúp bóng đá Việt Nam tốt hơn.

Đến tiếng phản biện của bầu Đức và bầu Thắng

Cũng trong bài phỏng vấn của Saostar, ông Nguyễn Trọng Hỷ kể lại chuyện vì sao cho ra đời VPF. Ông Hỷ nói một điều hết sức quan trọng rằng: “Có VPF thì chúng ta mới nói với quốc tế là Việt Nam chính thức bước vào con đường chuyên nghiệp hóa bóng đá”.

Điều chứng tỏ là VPF ra đời là một điều tất yếu, nhằm tách bạch với VFF. Vậy bầu Tú đang là thường trực VFF nhưng làm Chủ tịch VPF kiêm Tổng giám đốc và Trưởng ban là điều khó hiểu, càng vô lý khi ông Tú bây giờ tham gia ứng cử thêm chức phó Chủ tịch VFF. Nói như chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, nếu bầu Tú đắc cử ghế phó Chủ tịch tài chính thì nên… giải tán VPF.

Chỉ có bầu Đức và bầu Thắng lên tiếng phản biện.

Thế nên, không ngạc nhiên khi bầu Đức và bầu Thắng cùng nhau lên tiếng phản biện trong suốt thời gian qua. Bầu Đức và bầu Thắng từng tham gia vào nhóm các ông bầu cho ra đời VPF. Họ có quyền đấu tranh cho “đứa con tinh thần”, khi nhìn thấy mọi thứ đi lệch so với mục đích ban đầu.

Bầu Đức tuyên bố sẽ bỏ bóng đá nếu bầu Tú nắm VPF còn làm phó Chủ tịch VFF khóa VIII. Bầu Thắng yêu cầu ông Tú chỉ làm ở VPF hoặc VFF. Ông Thắng đã chính thức ngưng tài trợ cho CLB Long An, khiến đội bóng này đối diện nguy cơ giải tán vì không có tiền hoạt động.

Không chỉ bầu Đức, bầu Thắng mà các chuyên gia bóng đá Việt Nam, cựu Chủ tịch VFF đều có tiếng nói nhất định về chuyện VFF và VPF có nguy cơ trở lại thời điểm như năm 2011 (lúc chưa ra đời VPF), tức VFF sẽ chi phối VPF như ngày xưa. Tiếc rằng, các CLB không có tiếng nói phản biện một cách rất khó hiểu, dù cuộc chơi chuyên nghiệp là của chính họ.

Câu hỏi đặt ra bây giờ: Tại sao chỉ có ông Đức và ông Thắng lên tiếng, còn những đội khác sao không có tiếng nói phản biện?

Cần nhắc, sau cuộc họp giữa Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Tổng cục TDTT, VFF vào ngày 18/4, khả năng lớn là sắp tới việc bầu Tú ngồi nhiều ghế ở VPF sẽ xem xét lại. Điều ấy cho thấy những tiếng phản biện của bầu Đức và bầu Thắng trong thời gian qua là hợp lý.

Những bất cập của VPF dưới thời bầu Tú

Sòng phẳng, chuyện bầu Tú ngồi nhiều ghế có làm tốt hay không? Câu trả lời vẫn chưa có đáp án, vì ông Tú cần thời gian để chứng tỏ điều này nên không ai có thể đánh giá.

Tuy nhiên, VPF rõ ràng xuất hiện nhiều bất cập lớn. Ví dụ chuyện ông Tú sắm vai Chủ tịch kiếm Tổng giám đốc VPF đã xảy ra một số việc không thông qua Hội đồng quản trị, hay báo cáo với Ban kiểm soát.

Đầu tiên là chuyện bổ nhiệm phó Tổng giám đốc VPF Trần Hoàng Việt mà thành viên HĐQT không hề hay biết, thậm chí là không biết tên. Sau đó, VPF mua xe mới được bầu Tú lý giải là cần thiết, nhưng điều đáng nói là thành viên HĐQT lẫn Ban kiểm soát không biết…

Tất cả tạo ra những tranh cãi nhất định mà theo ông Lê Hồng Cường (Trưởng ban kiểm soát VPF) từng nói trên Saostar là VPF hoạt động sao giống doanh nghiệp tư nhân.

Tác giả: Văn Nhân

Nguồn tin: saostar.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP