Giáo dục

Vì sao Bộ GD&ĐT muốn quản lý trường nghề

Bộ GD&ĐT vừa có tờ trình gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chuyển giao toàn bộ mảng giáo dục dạy nghề về cho bộ này để thống nhất quản lý, thay vì để Bộ LĐ-TB&XH quản lý như hiện nay.


anh day nghe MMDL
Nhiều năm gần đây, một số trường nghề đã hoạt động hiệu quả.

Theo tờ trình, Bộ GD&ĐT cho rằng, thời gian qua quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp có sự song trùng quản lý giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Bộ GD&ĐT dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, mất tính chỉnh thể của hệ thống giáo dục quốc dân.

Không thống nhất, khó phân luồng

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu không thống nhất quản lý hệ thống trường nghề thì khó có thể phân luồng học sinh.

“Học sinh có tâm lý tránh trường có chữ "nghề" trong khi lại chen chân vào các trường CĐ kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, nói lên tất cả.”, ông Vinh khẳng định.

Theo ông Vinh, việc Bộ GD&ĐT xin quản lý hệ thống trường nghề ở đây không phải là chuyện được quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mà là trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ phải có sự tham mưu cho Chính phủ để hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước sao cho hiệu quả.

Ông Vinh chỉ ra, đề xuất này cũng xuất phát từ những vấn đề cố hữu dai dẳng từ hai thập kỷ nay cản trở sự phát triển GD&ĐT, cản trở phân luồng cũng như lãng phí nguồn lực.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến không ít trường nghề hiện nay khó tuyển sinh chính là cơ quan quản lý thiếu thống nhất, nguồn lực dàn trải, thiếu quy hoạch dẫn đến khả năng hướng nghiệp hạn chế.

Hiệu trưởng một trường cao đẳng nghề chất lượng cao ở Hà Nội cũng cho rằng, Luật giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2015. Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa được thực thi đầy đủ theo tinh thần của Luật giáo dục nghề nghiệp, việc quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp Chính phủ cần sớm giao cho một đầu mối quản lý nhà nước.

Quản lý hiệu quả mới nên làm

Đại diện một trường Cao đẳng nghề tại Hà Nội nêu quan điểm, nếu Thủ tướng Chính Phủ giao cho Bộ GD&ĐT quản lý cả hệ thống trường nghề thì cơ bản, mặt thuận lợi ai cũng nhìn thấy rõ là Chính phủ tạo ra một hệ thống quản lý thống nhất về giáo dục từ thấp đến cao. Điều này sẽ tạo thuận lợi việc quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, vị đại diện cũng cho rằng, cần thực dụng trong hiệu quả quản lý nhà nước. Cụ thể là bộ nào quản lý mà cam kết cho giáo dục nghề nghiệp phát triển thì nên làm. Khi được giao, cần có cơ chế để xã hội và người dân giám sát.

Lí do vị này đưa ra là vì hiện nay, bên cạnh một số trường nghề èo uột, không tuyển sinh được học viên thì nhiều trường nghề khác vẫn đang hoạt động tốt khẳng định được vị thế của hoạt động dạy nghề trong khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và xã hội, bà Đào Hồng Lan cho rằng, quan điểm của bộ là Chính phủ quản lý thống nhất về giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ thấy việc quản lý dạy nghề ở cơ quan nào mà góp phần phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì Chính phủ sẽ quyết định.

Tuy nhiên, bà Lan cũng khẳng định, nếu được giao tiếp tục quản lý hệ thống trường nghề, bộ này sẽ nỗ lực để đáp ứng ngày càng cao hơn nữa yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Theo bà Lan, trong 42 năm trực thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì lĩnh vực dạy nghề đã được khôi phục và phát triển gắn liền với thị trường lao động, xuất khẩu lao động, dạy nghề cho các đối tượng khác nhau.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hà – Hoa Ban

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP