Du lịch

Về Cần Thơ, đừng quên "đặc sản" chợ nổi Cái Răng

Chợ thường họp rất sớm vào khoảng 4 - 5 giờ sáng, khi mặt trời vừa mới mọc và đến khoảng 8-9 giờ thì tan tầm. Tiếng máy dầm của mấy chiếc xuồng nhỏ khua nhau, tiếng thuyền bè, tàu ghe xuôi nước, tiếng cười nói xôn xao của những người buôn bán trên sông Cái Răng nghe thật giòn giã và vui tai đến lạ.

Truyền thuyết về chợ Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm Thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút khi chúng ta đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều. Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Sở dĩ nơi đây gọi là chợ nổi vì nó trôi nổi trên sông. Từ xa xa, chúng ta có thể thấy những chiếc ghe bồng bềnh và đó cũng là gia đình thương hồ sinh sống với nhiều thế hệ. Nó mang đậm chất Nam Bộ ngay trong lòng Tây Đô – thủ phủ của miền Tây sông nước.

Chợ nổi Cái Răng có đa dạng các loại trái cây và các mặt hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long


Theo Sở VHTT&DL Cần Thơ, những ngày này số lượng du khách đổ về tham quan chợ nổi đông hơn nên Ban quản lý bến tàu khách và du lịch Cần Thơ đã huy động nhiều tàu để hướng dẫn, đưa đón khách ngay từ sáng sớm cho đến trưa mỗi ngày.

Chợ nổi Cái Răng đa dạng các loại trái cây và các mặt hàng nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ xa xa, khi thuyền chúng tôi chưa đến gần các chiếc thuyền thương hồ là đã thấy một cây cao cao tựa như cây sào cắm xuống nước trước mỗi ghe. Đó là cây bẹo. Nếu như ghe này bán dưa hấu thì trên cây bẹo sẽ treo vài quả dưa hấu, nếu ghe kia bán xoài, cam, ổi thì trên ghe bán toàn xoài, cam, ổi mà thôi. Đặc biệt là thế.

Cảnh buôn bán trên chợ nổi Cái Răng


Thuyền bồng bềnh theo con nước, chẳng cần chú lái thuyền cất công đề máy mà cũng trôi đi theo làn gió nhè nhẹ, miên man. Chúng ta có thể tận mắt thấy một màu xanh của quả dưa hấu đang căng tròn mọng nước, màu đo đỏ của chiếc ghe chôm chôm, vàng ruộm của nhãn, dâu xiêm, màu đỏ đỏ nâu nâu của trái măng cụt ngọt ngọt chua chua đậm đà trong từng múi nhỏ, những quả bí đỏ to tròn nằm trật tự trên ghe theo hàng theo lối,… Trái cây, nông sản nơi đây là thế. Nó luôn mang trong mình vị ngọt ngào của dòng sông hiền lành quanh năm có phù sa dồi dào bồi đắp. Nó mang trong lòng vị đậm đà, chân chất của người thương hồ quanh năm sinh sống trên sông. Tuy lời to, tiếng lớn nhưng thật thà, chân quê đậm nét Nam Bộ.

Mặc dù, ngày nay mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và ngày càng sầm uất hơn. Nơi đây đã trở thành chợ đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây và nông sản của vùng. Bên cạnh những chiếc ghe của người thương hồ, những chiếc xuồng trái cây, nông sản còn có thuyền của các bà, các chị bán thức ăn nấu sẵn trên sông như bánh mì, bánh bao, phở, hủ tiếu, cà phê và các loại nước giải khát khác nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn uống trên sông.

Nói đến Cần Thơ là nhắc đến chợ nổi Cái Răng

Nhiều người từ vùng miền xa xôi tò mò vì chưa được nhìn thấy cái chợ nổi của vùng sông nước này mà đã nghe nhắc đến bấy lâu nay, đã chưa được đi thì thôi còn khi ghé Cần Thơ rồi thì phải đi chợ nổi cho bằng được. Mặc dù nguyên một đêm thức khuya đi dạo phố Tây Đô, ngắm bến Ninh Kiều, ăn Lẩu mắm, Vịt nấu chao nhưng vẫn cố gắng thức dậy sớm để đi chợ nổi Cái Răng cho biết.

Chợ nổi Cái Răng được xem là địa du lịch hấp dẫn ở vùng ĐBSCL


Anh Nguyễn Trung Tín, Phòng quản lý Du lịch, Sở VHTT và DL Cần Thơ, cho biết: “Để chợ nổi Cái Răng phát triển theo hướng văn minh, an toàn thì cần có các dự án đầu tư tôn tạo cụ thể như: Không can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến hoạt động mua bán tại chợ nổi, đầu tư tôn tạo nhưng không phá vỡ hiện trạng của chợ nổi; Dự án sẽ tính đến đảm bảo an toàn giao thông tại chợ nổi, đề xuất giới hạn khu vực neo đậu các tàu thuyền, tránh trường hợp các tàu thuyền neo đậu tràn lan, chiếm gần hết mặt sông ; địa phương cần quan tâm đến xây dựng các WC nổi để phục vụ người mua bán vá khách du lịch; Do đặc thù của chợ nổi là khách tham quan tự do không phải mua vé. Vì vậy, có thể đề xuất tính từ giá vé tàu du lịch (tương tự như giá vé tham quan)”.

Chợ nổi là nơi giữ gìn, phát huy những nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon, đẹp mắt của hàng hóa nơi đây. Ngày nay, chợ nổi Cái Răng được xem là một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là người nước ngoài thích khám phá và trải nghiệm. Có được nét đặc trưng riêng, chợ nổi Cái Răng đã đi vào lòng người của cả nước và cả trên thế giới và giờ đây chợ nổi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia vào ngày 8/7/2016.

Tác giả bài viết: Phạm Tâm – Trần Tuyên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP