Giáo dục

Vẫn quyết thi trắc nghiệm toán?

Dù nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng phản đối việc thi trắc nghiệm môn toán nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chưa có phương án nào tốt hơn phương án mà bộ đưa ra

Dự kiến ngày mai (27-9), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ chốt phương án thi THPT quốc gia 2017. Trước khi bộ quyết định phương án thi chính thức, nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục cho rằng cần xem xét lại việc thi trắc nghiệm toán. Đặc biệt, Hội Toán học Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc triển khai hình thức thi trắc nghiệm đối với môn toán trong kỳ thi THPT 2017.

Đề nghị hoãn áp dụng

Theo đó, Ban Chấp hành Hội Toán học Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT hoãn việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan, tiếp tục thi tự luận đối với môn toán trong kỳ thi xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017.

Hội Toán học Việt Nam cũng đề nghị tiến hành những nghiên cứu hệ thống, khoa học nhằm phân tích các luận cứ khoa học của việc nên hay không nên thi trắc nghiệm môn toán cũng như đánh giá hiệu quả thực tiễn của kỳ thi trắc nghiệm toán tại một vài nơi trong những năm qua. Trên cơ sở kết quả các hội thảo quốc gia, sẽ quyết định có nên chuyển đổi thi môn toán từ tự luận sang trắc nghiệm hay không. Trong trường hợp giả định có chuyển đổi, cần một thời gian chuẩn bị hợp lý. Hội Toán học Việt Nam còn đề nghị có cuộc đối thoại giữa các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách và ban chấp hành hội về vấn đề này.

Hội Toán học Việt Nam đã đưa ra một số lý do khi đề xuất hoãn thi trắc nghiệm môn toán trong kỳ thi THPT năm 2017. Theo đó, đối với môn toán, thi tự luận có ưu điểm vượt trội trong đánh giá tư duy và năng lực giải quyết vấn đề của thí sinh mặc dù kết quả thi có thể phụ thuộc ít nhiều vào chủ quan của người chấm. Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan tránh được yếu tố này nhưng lại có nhiều hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của thí sinh. Đặc biệt, thi theo hình thức trắc nghiệm có tính phân loại không cao, nhất là khi ngân hàng đề thi chưa bảo đảm chất lượng, chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, trong một thời gian đủ dài nhằm hình thành một hệ thống câu hỏi tốt, có khả năng phân loại thí sinh.

Hội Toán học Việt Nam cho rằng cần có những nghiên cứu đánh giá khoa học, hệ thống, chính thức về tính khoa học, hiệu quả thực tiễn và phân tích lý do vì sao phải chuyển đổi từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm môn toán. Việc chuyển đổi ngay khi chưa có các thông tin cần thiết này, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như chưa dành một thời gian đủ lớn để xử lý các vấn đề tồn đọng sẽ tạo thành mối quan ngại lớn, gây xáo trộn trong việc học tập của học sinh, trong tâm lý của phụ huynh và có thể gây hoang mang trong toàn xã hội.

Thí sinh TP HCM trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 Ảnh: TẤN THẠNH


Trước đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng đã đề nghị xem xét lại hình thức thi trắc nghiệm toán. PGS Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng giáo dục toán học ở bậc phổ thông không nhằm mục tiêu chính là cung cấp kiến thức rộng mà mục tiêu quan trọng nhất là rèn luyện tư duy, dạy học sinh biết cách tìm hiểu vấn đề, suy nghĩ thấu đáo về một vấn đề và tìm ra phương pháp giải nó.

“Một đề thi chỉ có phần trắc nghiệm với 50 câu hỏi trong 90 phút sẽ góp phần đào tạo ra những lớp học trò chỉ có thể suy nghĩ mỗi vấn đề trong vòng 2 phút. Để trả lời câu hỏi trong vòng 2 phút thì dù bao nhiêu bước tư duy đi nữa cũng không thể có bước tư duy nào là sâu cả” - PGS Hà Dương băn khoăn.

Theo GS Phạm Quang Tuấn, người từng có nhiều năm làm việc tại Khoa Công nghiệp Hóa học thuộc ĐH New South Wales (Úc), nếu thi toàn trắc nghiệm thì phần lớn học trò sẽ học và thầy sẽ dạy với mục đích là đỗ trắc nghiệm. Vì vậy, GS Tuấn đề xuất nên có cả những câu hỏi trắc nghiệm lẫn những câu hỏi tự luận trong một kỳ thi.

Phương án thi khó thay đổi?

Chia sẻ với báo chí về việc tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự thảo phương án thi năm 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một phương án đưa ra có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Ông Ga cho biết Bộ GD-ĐT rất cầu thị, lắng nghe các ý kiến trên tinh thần cái gì hay, đề xuất nào phù hợp thì tiếp thu; cái gì đã có sự đồng thuận cao thì giữ nguyên để triển khai.

Theo ông Ga, ý kiến góp ý, bình luận cho dự thảo phương án thi năm 2017 rất nhiều. Đến nay, tổ công tác của Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình tập hợp các ý kiến. “Tuy nhiên, có một vấn đề là bình luận thì nhiều nhưng đề xuất cho phương án tốt hơn thì chưa có. Vì vậy, có lẽ phương án thi năm 2017 vẫn sẽ không thay đổi so với dự thảo đã công bố bởi chưa có phương án nào tốt hơn” - ông Ga cho hay.

Nói thêm về những phản hồi của các chuyên gia về việc thi trắc nghiệm môn toán, ông Ga cho rằng trắc nghiệm hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận. Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải “tìm” đáp án; còn câu hỏi trắc nghiệm thì thí sinh phải “chọn” đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Để “chọn” được đáp án đúng thì thí sinh phải biết “tìm” đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phương án thi năm 2017 sẽ được đưa vào quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2017. Dự thảo 2 quy chế này đang được hoàn thiện cho tương thích với phương án thi năm 2017 để công bố lấy ý kiến theo quy trình, sau đó sẽ ban hành chính thức.

Không ảnh hưởng đến cách dạy và học?

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điểm khác biệt duy nhất giữa 2 hình thức tự luận và trắc nghiệm là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi trắc nghiệm). Như vậy, hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kỹ năng thì mới “tìm” rồi “chọn” được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất.

Tác giả bài viết: Yến Anh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP