Thể thao

Vấn Đề V.League: Nhà tài trợ đang nghĩ gì?

Chắc chắn đấy là câu hỏi mà các quan chức VFF, VPF phải rất thấp thỏm trong suốt thời gian qua, khi hết sự cố "Hoàng Vũ Samson chỉ liều lĩnh chứ không bạo lực" lại đến sự cố các cầu thủ Đồng Tâm.Long An đứng im để CLB TP Hồ Chí Minh thoả sức ghi bàn diễn ra.

Cần phải nhắc lại, đấy chỉ là 2 sự cố nổi bật nhất trong cả một lô các sự cố mà thôi. Nào là cổ động viên Hải Phòng đồng thanh chửi trọng tài, khiến cái sân Lạch Tray bị phạt tiền và đội chủ sân phải đá một trận không khán giả.

Nào là việc trọng tài không tuýt còi một pha phạm lỗi mười mươi của cầu thủ Quảng Nam với thủ thành Sông Lam, khiến Sông Lam thua oan và đòi kiện tụng cho ra nhẽ. Tất cả những điều này chắc chắn không nằm ngoài con mắt của các nhà tài trợ V.League, trong đó có nhà tài trợ chính Toytota.

Họ cũng không thể không biết rằng vụ cầu thủ Long An bất động đã xuất hiện đầy rẫy trên các trang báo, các hãng thông tấn lớn quốc tế với hàng loạt những lời lẽ đi kèm như "khó tin", "điên rồ", "kỳ quặc".

Trước đây, bóng đá Việt Nam cũng từng xuất hiện trên các trang báo nước ngoài một cách xấu xí như vậy, khiến cho ông HLV danh tiếng Jose Mourinho khi bực bội một trận đấu nọ đã không ngại bảo: "Tôi chẳng thà ở nhà, mở ti vi, xem bóng đá Việt Nam còn thú vị hơn". Rõ ràng, không một nhà tài trợ nào muốn gắn thương hiệu của mình với một giải đấu lắm chuyện, lắm vấn đề như thế.

Còn nhớ cách đây vài mùa, khi V.League xuất hiện "những trận đấu có mùi" từng có thông tin rằng, VPF (đơn vị tổ chức giải) đã nhận được công văn hỏi thăm của nhà tài trợ. Họ đề nghị Ban tổ chức giải phải giải thích mọi chuyện cho ra nhẽ, và cam kết phải xây dựng hình ảnh giải đấu một cách tử tế hơn.

Sự cố sân Thống Nhất khiến hình ảnh V.League bị tổn thương trầm trọng.

Sau này, trong một cuộc họp báo công khai, ông Chủ tịch VPF phủ nhận những thông tin về "công văn hỏi thăm của nhà tài trợ", nhưng ông thừa nhận đúng là các nhà tài trợ luôn muốn gắn bó với một giải đấu, một thương hiệu sạch. Chẳng nói đâu xa, hơn mười năm trước, chính ông Thắng với thương hiệu "Gạch Đồng Tâm" đã là nhà tài trợ chính của bóng đá Long An, và nhờ hình ảnh một Long An sạch đẹp, một Long An "có thể xuống hạng chứ không xin, không cho ai cả" mà thương hiệu Gạch Đồng Tâm đã bay cao, bay xa đến tận bây giờ.

Một trong những người đầu tư bóng đá cùng thời với ông Thắng là ông Đoàn Nguyên Đức từng nhiều lần nhấn mạnh đến điều này, rằng nhờ việc tài trợ cho bóng đá Gia Lai mà thương hiệu Hoàng Anh đã được quảng bá một cách rộng rãi. Ông Đức từng nói: "Đầu tư vào bóng đá, nếu có hình ảnh tốt thì giá trị thương hiệu là một vốn bốn lời". Đấy là lý do vì sao mà Hoàng Anh Gia Lai hay Gạch Đồng Tâm Long An thời đó luôn đi theo, và cố gắng bảo vệ tôn chỉ bóng đá sạch đến cùng.

Trở lại với V.League, ai cũng biết số tiền mà nhà tài trợ nước ngoài rót vào giải đấu này kém xa số tiền mà họ rót vào Thai League (giải vô địch quốc gia Thái Lan). Số liệu ở mùa giải năm 2015 - mùa giải đầu tiên Toyota hợp tác với VPF cho hay, trong khi họ tài trợ V.League khoảng 30 tỷ đồng/ mùa thì con số này ở Thai League là 170 tỷ đồng/mùa - một mức chênh lệch khủng khiếp.

Hẳn nhiên, đến mùa giải này, theo phần trăm luỹ tiến của hợp đồng, số tiền tài trợ đã được nâng lên, nhưng còn lâu mới sánh bằng con số của Thai League. Lý do nằm ở chỗ: Trong khi Thai League là một giải đấu sạch thì V.League luôn xảy ra hết vấn đề này đến vấn đề kia. Và bây giờ, sau hàng loạt những sự vụ không đáng có, chỉ sợ nhà tài trợ tiếp tục "ép giá" V.League, thậm chí đến một lúc nào đó không còn muốn gắn bó với V.League cũng chưa biết chừng.

Chưa bao giờ những nhà tổ chức giải phải lo lắng, thấp thỏm quanh vấn đề tài trợ như lúc này!

VPF họp khẩn, tìm cách chấn chỉnh công tác trọng tài

Theo Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, trước những chỉ đạo, nhắc nhở của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch về việc "phải xây dựng một đội ngũ trọng tài trong sạch, tạo niềm tin lớn cho các đội bóng, HLV, cầu thủ", ngày 28 tháng 2 tới đây, tổ chức này sẽ họp khẩn tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm cách gỡ rối vấn đề nan giải này. Tham dự cuộc họp không chỉ có các thành viên của Hội đồng quản trị VPF, mà còn có cả Phó Chủ tịch chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn.

Tại đây, sau khi nghe Ban tổ chức giải báo cáo về công tác trọng tài nói riêng và các vấn đề của giải đấu nói chung, các thành viên sẽ cùng thảo luận, và đưa ra những giải pháp mang tính "cấp cứu", để ít nhất là từ nay đến khi kết thúc mùa giải, công tác trọng tài sẽ không còn là một điểm nóng dữ dội như bây giờ nữa.

Theo thông tin riêng của chúng tôi, một thành viên trong Hội đồng quản trị VPF đang tính đến phương án sớm thuê trọng tài ngoại, chứ không phải đợi đến những vòng cuối cùng như những mùa giải trước, vì theo vị này: "Trong bối cảnh rất dễ khiến ai đó đục nước béo cò, giậu đổ bìm leo như lúc này thì có lẽ, chỉ có trọng tài ngoại mới giúp mọi thứ hanh thông".

Ngọc Anh

Tác giả bài viết: Hiếu Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP