Kinh tế

VAFI: “Cố tình bán chui cổ phiếu là hành vi lừa đảo”

Cho rằng việc cố tình bán chui cổ phiếu để trục lợi trên lưng hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư chứng khoán không gì khác chính là hành vi lừa đảo nhà đầu tư, VAFI đã đưa ra một số giải pháp nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng này.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong đó đề xuất các giải pháp chấm dứt vĩnh viễn tình trạng mua, bán chui cổ phiếu để trục lợi của nhà đầu tư.

Tại văn bản này, lãnh đạo VAFI đánh giá, những năm gần đây, đi cùng sự phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) thì tình trạng bán chui cổ phiếu (bán cổ phiếu mà không công bố thông tin của thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành, cổ đông lớn...) ngày càng phát triển, tới mức công khai trắng trợn đe dọa sự ổn định của thị trường.

VAFI đánh giá, tình trạng giao dịch chui cổ phiếu đang ngày càng phát triển, đến mức trắng trợn, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư và thị trường.

Thực tế có một số trường hợp bán chui cổ phiếu xảy ra ở những người liên quan đến người nội bộ với số lượng cổ phiếu nhỏ, chỉ một vài lệnh là xong giao dịch, những trường hợp này có thể là do sơ xuất vì chưa am hiểu pháp luật.

Tuy nhiên, theo VAFI, trong nhiều trường hợp, bán chui cổ phiếu diễn ra với những người am hiểu pháp luật.

“Bán chui với số lượng lớn với giá trị hàng trăm tỷ đồng, với số lệnh lớn lên tới hàng ngàn lệnh thì không thể nói là do vô tình hay sơ suất được mà phải nói là cố tình bán chui cổ phiếu để trục lợi trên lưng hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư chứng khoán”, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch VAFI nhận định.

Lý giải cho việc những đối tượng nhà đầu tư này cố tình bán chui cổ phiếu, không đàng hoàng, lãnh đạo VAFI cho rằng, khi thành viên HĐQT, ban giám đốc, cổ đông lớn công bố bán cổ phiếu với số lượng lớn và giá trị lớn so với số cổ phần họ nắm giữ thì sẽ ảnh hưởng tới giá chứng khoán vì ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư, giá giao dịch thường giảm, cầu giảm.

Việc bán cổ phiếu số lượng lớn phải diễn ra trong khoảng thời gian dài nếu muốn bán được giá, còn nếu bán trong thời gian ngắn thì giá giảm sâu và không thu được nhiều tiền.

Từ những bất lợi trên mới dẫn đến hiện trạng cố tình bán chui cổ phiếu để đem lại giá trị cao nhất cho người bán.

“Như vậy, hành vi cố tình bán chui cổ phiếu là hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Lừa đảo ở đây là việc che giấu thị trường, che giấu các nhà đầu tư chứng khoán về hành vi lén lút của mình. Việc cố tình bán chui nhằm trục lợi các nhà đầu tư cùng tham gia giao dịch. Hành vi này phải bị lên án và ngăn chặn”, ông Hải phân tích.

Do đó, VAFI đề nghị, với tất cả đối tượng trong diện phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch, Sở giao dịch phải tạm khóa quyền giao dịch, không cho giao dịch. Khi các đối tượng trên cần mua hay bán chứng khoán, họ phải công bố thông tin theo quy định. Khi nhận được thông báo này thì Sở giao dịch sẽ mở khóa và chỉ cho phép họ mua bán với số lượng đã đăng ký, trong khoảng thời gian đã đăng ký.

VAFI tự tin rằng, nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật trên sẽ không phải sửa đổi các luật, nghị định, thông tư hiện hành và đơn giản so với phần mềm hiện đại của Sở Giao dịch chứng khoán.

Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của thanh tra giám sát thị trường tại Sở Giao dịch chứng khoán trong các giao dịch bán chui.

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP