Kinh tế

Tuyến bay TPHCM-Côn Đảo: Khách đã mua vé còn bị VASCO gây khó khăn

Trong báo cáo giám sát mới nhất của mình, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nêu một số vấn đề yếu kém trong tổ chức khai thác tuyến bay TPHCM-Côn Đảo của VASCO

Sân bay Côn Đảo lại được đề nghị nâng cấp. Ảnh: Đầu tư

Đã mua vé lại còn bị gây khó dễ

Theo nguồn tin của Dân trí, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa hoàn thành báo cáo giám sát hoạt động khai thác hàng không của Công ty Bay dịch vụ Hàng không chặng bay TPHCM-Côn Đảo.

Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, trong quá trình khai thác tuyến bay trên, còn có tình trạng đại lý máy bay hoặc các doanh nghiệp lữ hành đặt giữ chỗ trước. Nhưng gần đến ngày bay, thì không có khách mua vé nên các đơn vị này lại hủy chỗ. Có tình trạng khách đã có vé máy bay nhưng Hãng từ chối lập thủ tục cấp thẻ lên tàu bay và có tình trạng hành khách đã có vé máy bay nhưng VASCO gây khó khăn khi làm thủ tục cấp thẻ lên tàu bay.

Cũng theo báo cáo giám sát này, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết luận: Nhiều trường hợp đại lý vé máy bay không đưa thông tin liên lạc (số điện thoại của hành khách) vào hệ thống. Cho nên, khi thay đổi giờ bay: Chậm, hủy chuyến..., VASCO đã không thể thông tin cho hành khách biết kịp thời.

Đáng chú ý, theo đoàn ĐBQH này, việc tổ chức bán giảm giá 30% cho cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống tại Côn Đảo vừa qua chỉ được thực hiện tại 2 điểm bán vé (1 tại quận Tân Bình, TPHCM và 1 tại đường Tôn Đức Thắng, huyện Côn Đảo). Cho nên, khi người dân mua ở các đại lý khác thì không được giảm giá vé. Để mua được vé giảm giá 30% thì người dân phải xuất trình hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân để chứng minh đang sinh sống là làm việc tại Côn Đảo.

Ngoài ra, hiện nay, do nhu cầu của hành khách bay đến Côn Đảo rất lớn nhưng Cảng hàng không Côn Đảo lại chưa có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Cho nên, việc tổ chức tăng chuyến bay vào ban đêm không thể thực hiện được và đường băng tại đây ngắn nên chỉ khai thác bằng các tàu bay nhỏ ATR 72 mà không thể khai thác bằng tàu bay lớn hơn.

"Một số chuyến bay chậm giờ do nguyên nhân từ sân bay Tân Sơn Nhất là 554 chuyến, gấp đôi số chuyến bay chậm giờ cũng với nguyên nhân này tại sân bay Cỏ Ống (276 chuyến chậm)", báo cáo giám sát cho biết.

Do đó, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Công ty VASCO có giải pháp ngăn chặn tình trạng đặt chỗ trước vé máy bay của một số đại lý vé máy bay hoặc của doanh nghiệp lữ hành; có biện pháp chấm dứt tình trạng đại lý không cung cấp thông tin liên lạc của hành khách vào hệ thống để kịp thời thông tin cho hành khách khi có thay đổi chuyến bay, giờ bay; đơn giản hóa thủ tục mua bán vé máy bay có chính sách giảm giá 30%....

Lại đề nghị nâng cấp sân bay

Đáng chú ý, trong báo cáo này, đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu sớm nâng cấp kéo dài đường băng cất hạ cánh, mở rộng Cảng Hàng không Côn Đảo nhằm phù hợp với nhu cầu vận tải và quy hoạch của địa phương. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cần sớm xem xét triển khai lắp đặt hệ thống đèn cho Cảng hàng không Côn Đảo để có thể khai thác các chuyến bay đêm tới đây.

Tuyến bay TP HCM – Côn Đảo và ngược lại được Công ty Vasco khai thác từ năm 2004 với tần suất 2 chuyến một tuần bằng máy bay An-38 với 25 ghế. Tháng 6/2005, do nhu cầu đi lại tăng cao, Vasco đưa máy bay ATR-72 vào sử dụng với tần suất 3 chuyến một tuần. Năm 2007, hãng điều chỉnh tần suất bay lên 7 chuyến một tuần. Hiện tại, với nhu cầu đi lại tăng cao, hãng đã bổ sung lên tới 96 chuyến một tuần vào các mùa cao điểm.

Trước đó hồi đầu tháng 12/2017, Cục Hàng không Việt Nam cũng trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, sân bay Côn Đảo – huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng cấp từ 3C (chỉ khai thác được máy bay ATR72) lên cảng hàng không nội địa cấp 4C theo quy định của ICAO (đón được máy bay Airbus320neo/tương đương).

Sân bay mới có diện tích là 131,5 ha, tăng khoảng 20 ha so với diện tích hiện hữu, trong đó diện tích đất do hàng không dân dụng quản lý là 38,074 ha, diện tích do quân sự quản lý là 5,115 ha; diện tích đất dùng chung do dân sự quản lý là 88,338 ha.

Trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ triển khai mở rộng đường cất hạ cạnh hiện hữu đảm bảo khai thác được Airbus320; sân đỗ cho tối thiểu 8 máy bay Airbus320; xây dựng nhà ga 2 mới công suất 2 triệu hành khách/năm… cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng Cảng hàng không Côn Đảo giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là 5.22 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2020 là 4.170 tỷ đồng, giai đoạn định hướng đến năm 2030 là 1.052 tỷ đồng.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP