Số hóa

Tương lai nào cho máy tính bảng Android

Doanh số giảm, nhiều hãng ngừng sản xuất... khiến thị trường máy tính bảng Android trở nên bấp bênh.

Từng được kỳ vọng

Năm 2010, Apple trình làng chiếc iPad đầu tiên. Máy tính bảng Android chậm chân hơn do phải đợi sự chấp nhận của Google về các vấn đề liên quan đến nền tảng này. Tuy nhiên, ngay khi ra mắt, thiết bị lập tức tạo nên cơn sốt nhờ tiện dụng, nhiều mẫu mã lựa chọn và đặc biệt là mức giá phải chăng hơn so với tablet của Apple. Thậm chí, đã có dự đoán cho rằng nó sẽ tạo nên cuộc cách mạng mới thay thế máy tính xách tay.

Thị trường máy tính bảng đang rất ảm đạm.


Không phải ngẫu nhiên dự đoán này được đưa ra, bởi máy tính bảng rất phù hợp cho các nhu cầu thực tế. Bên cạnh tính di động, với kích thước màn hình từ 7 inch, thiết bị tạo không gian duyệt web, xem video, gửi/nhận email, xem ảnh… thoải mái hơn. Đây là điều mà laptop dù làm được nhưng lại quá cồng kềnh, trong khi màn hình smartphone quá nhỏ.

Bị đe dọa bởi smartphone màn hình lớn

Tuy nhiên, 2010 – 2013 là giai đoạn smartphone có kích thước màn hình bé (dưới 5 inch). Những năm sau đó, màn hình 5 - 5,5 inch đã rất phổ biến, thậm chí nhiều điện thoại còn có màn hình lên tới 6,6 inch như Honor Note 8 của Huawei. Đây là kích thước đủ để có thể đảm nhiệm hầu hết các công việc mà máy tính bảng làm như đã đề cập và việc thiết bị này bị lép vế là điều dễ hiểu.

Việc người dùng không còn mặn mà với máy tính bảng Android như trước đã khiến một số nhà sản xuất đi đến quyết định giã từ nó, điển hình là Dell. Hãng đã thông báo sẽ ngừng phát triển dòng Venue chạy nền tảng của Google vào tháng 7 để tập trung cho phân khúc máy tính bảng lai laptop chạy hệ điều hành Windows 10. Trong khi đó, nhiều hãng khác chỉ sản xuất cầm chừng, đồng thời nghe ngóng thị trường.

Đến những thay đổi

Giữa một rừng sản phẩm thiết kế dạng "tấm bảng" không hơn, nhiều nhà sản xuất bắt đầu đổi mới nhằm tránh sự nhàm chán. Đã có các mẫu máy tính bảng kèm bút stylus như Galaxy Note của Samsung, máy tính bảng chuyển đổi thành máy tính xách tay như Venue Pro 11 7000 của Dell, hay máy tính bảng kết hợp điện thoại Padfone S của Asus… Thế nhưng, mọi thứ chỉ dừng lại ở đó.

Với những gì đã thể hiện, có thể thấy máy tính bảng Android được sử dụng cho giải trí nhiều hơn dù thường xuyên được nâng cấp cấu hình cũng như cải thiện thiết kế. Nhìn qua Surface của Microsoft và iPad Pro của Apple, đây đều là những thiết bị phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, từ nhân viên văn phòng, nghệ sĩ, chuyên viên thiết kế, người làm kỹ thuật… Để làm được điều đó, ngoài cấu hình mạnh, chúng còn có hệ sinh thái tuyệt vời và các phụ kiện hỗ trợ tối đa cho công việc.

Android 7.0 Nougat là "cứu cánh"?

Android là nền tảng di động có khả năng tùy biến cao và thường xuyên được ca ngợi trên smartphone chạy nó, nhưng lại tụt hậu trong việc tối ưu cho máy tính bảng so với iOS của Apple. iOS 9 trên iPad Pro không chỉ cho hiệu năng cao mà còn hỗ trợ các tính năng cần thiết cho một chiếc tablet, như Split View cho phép chạy song song hai ứng dụng trên màn hình thay vì chuyển đổi ứng dụng, hoặc Slide Over cho phép người dùng bật ứng dụng thứ hai mà không cần đóng ứng dụng đang chạy…

Tính năng đa nhiệm chia đôi màn hình rất cần thiết đối với các thiết bị có màn hình lớn, khi có thể làm việc trên nhiều cửa sổ hơn mà không cần chuyển đổi qua lại hết sức phiền hà. Nhưng trước Nougat, nó chỉ xuất hiện trên một số máy tính bảng của Samsung, LG với giao diện do họ phát triển riêng và đó được xem là chức năng khác biệt so với những máy dùng Android khác.

Với việc có mặt trên Nougat (và được cho là sẽ cập nhật cho Android 6.1 Marshmallow), tính năng chia đôi màn hình cùng với việc hỗ trợ các thiết bị ngoại vi sẽ là điểm nhấn giúp máy tính bảng Android hấp dẫn hơn trong mắt người dùng. Tuy nhiên, Google cần làm nhiều điều hơn nữa, bởi đó chỉ là bước khởi đầu, chưa thể gọi là sự đột phá, khi mà nó từng xuất hiện trên Windows 8 cách đây 3 năm, iOS 9 cách đây hơn một năm.

Cần một máy tính bảng Android đột phá

Có một thực tế là nhiều nhà sản xuất tablet Android ngày càng không mặn mà với thiết bị mà họ "đẻ" ra. Với Apple, qua mỗi phiên bản iPad, ít nhất họ cũng nâng cấp phần cứng, bổ sung chức năng mới… nhưng vấn đề tưởng chừng như hiển nhiên này lại ít được lưu ý trên máy tính bảng chạy hệ điều hành của Google. Điều đó trái ngược với thị trường smartphone, khi cuộc đua về độ phân giải màn hình, cảm biến vân tay, sạc nhanh, cảm biến camera… liên tục tiếp diễn.

Theo Slashgear, những gì thị trường tablet Android đang mong muốn là một thiết bị mà khi xuất hiện, người dùng phải thốt lên rằng: "Đây mới là máy tính bảng mà tôi cần!". Đó là một sản phẩm hội đủ các yếu tố: thiết kế đẹp, cấu hình mạnh, nhiều tính năng cho công việc và giải trí, nguồn pin lớn, các phụ kiện hỗ trợ đi kèm… và hơn hết là thường xuyên được cập nhật phần mềm.

Pixel C chưa đủ để vực dậy thị trường máy tính bảng.


Google Pixel C có thể xem là chiếc máy tính bảng Android tốt nhất hiện nay khi sở hữu thông số cấu hình đáng mơ ước (CPU Nvidia Tegra X1, GPU Maxwell, RAM 3GB) cùng nền tảng được cập nhật 6 tháng một lần. Với việc tự phát triển, Google cũng sẽ tối ưu hơn cho tablet của mình tốt hơn, bởi hãng biết sẽ phải làm những gì. Pixel C là điểm sáng hiếm hoi, nhưng trên thực tế, nó vẫn chưa thành công dù ra mắt gần 1 năm (10/2015).

Không phải chỉ tablet Android, iPad của Apple hay các mẫu chạy Windows đều đang tăng trưởng âm. Theo số liệu quý II/2016 của IDC, doanh số máy tính bảng đã giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Rất nhiều doanh nghiệp đang dần chuyển sang các thiết bị lai 2-trong-1 để cạnh tranh với máy tính xách tay và đó là chiến lược mới, tuy ngắn hạn nhưng thiết thực trước khi các hãng cho ra sản phẩm đột phá hơn. Nhưng cũng có thể, đây là cố gắng cuối cùng trước khi máy tính bảng lùi vào "hậu trường" để nhường chỗ cho các thiết bị khác trong tương lai.

Tác giả bài viết: Bảo Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP