Trên lý thuyết, đây được xem là động thái xoa dịu dư luận của VFF sau vụ việc ông bầu Đoàn Nguyên Đức bị "sót" tên khi danh sách đề cử được công bố, dẫn đến sự nghi ngại về việc dồn phiếu cho ứng viên duy nhất Trần Anh Tú ở vai trò Phó chủ tịch phụ trách tài chính-vận động tài trợ.
Từ đây, nổ ra những tranh cãi xoay quanh việc ông Trần Anh Tú nắm giữ quá nhiều chức vụ liên quan đến bóng đá và ông bầu Đoàn Nguyên Đức tuyên bố nghỉ làm bóng đá nếu ông Tú trúng cử.
Công văn 379 của VFF cho phép đề cử bổ sung các ứng viên |
Không riêng bầu Đức, báo chí và dư luận người hâm mộ cũng chỉ ra thêm vài ứng viên được đề cử từ cơ sở nhưng danh tính lại không được Tiểu ban Nhân sự đại hội VFF nhiệm kỳ VIII công bố, như trường hợp của trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi và Nguyễn Hiền Lương, nhân sự thuộc Trung tâm TDTT Bộ Công an.
Không lâu sau khi ông Trần Anh Tú tuyên bố sẽ có ý định rút lui khỏi hai cương vị Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) và Trưởng ban điều hành V-League, chiều 23-3, VFF đã ban hành thông báo số 379, nêu rõ "Các tổ chức thành viên VFF được tiếp tục xem xét đề cử nhân sự ứng cử ủy viên Ban chấp hành và các vị trí lãnh đạo VFF khóa VIII (đề cử lần 2) trước hạn chót ngày 31-3".
Ông Trần Anh Tú tuyên bố sẽ rời vị trí TGĐ VPF và Trưởng ban điều hành V-League |
Theo điều lệ, VFF hiện có 66 tổ chức thành viên được quyền đề cử, ứng cử và bầu các vị trí lãnh đạo, các ban chức năng của VFF bao gồm các CLB bóng đá thuộc giải V-League, hạng Nhất, hạng Nhì, CLB bóng đá nữ tham dự giải vô địch quốc gia, CLB futsal tham gia giải toàn quốc, Liên đoàn bóng đá thành viên cấp tỉnh, các đơn vị tổ chức những giải đấu cấp quốc gia được VFF công nhận.
Đây là văn bản mang ý nghĩa "mở đường" cho nhiều nhân vật tên tuổi của bóng đá Việt Nam có thể tham gia ứng cử tại đại hội VFF khóa VIII dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 4 tới đây, kỳ đại hội mà vừa qua có rất nhiều ý kiến đề nghị nên hoãn đến thời điểm phù hợp. Nếu tính đến những trường hợp cụ thể, người hâm mộ có quyền hy vọng ông bầu Đoàn Nguyên Đức sẽ chấp thuận lời đề cử từ một số CLB để quay lại, tham gia vào ban chấp hành VFF khóa mới ở cương vị thích hợp.
Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định không tái tham gia BCH VFF |
Tuy nhiên, qua cuộc trao đổi mới nhất với báo Người Lao Động tối 23-3, ông Đoàn Nguyên Đức một lần nữa khẳng định "không bao giờ thay đổi tuyên bố sẽ rời khỏi VFF sau đại hội khóa 7". Ông cũng nói thêm, giả dụ có đến 50 CLB đề cử thì ông cũng xin phép gửi lời cám ơn đến tất cả và rút lui, không tham gia bộ máy lãnh đạo VFF nữa khi niềm vui hiện tại của ông là CLB HAGL bên cạnh việc dành thời gian cho công việc kinh doanh.
* Đại hội VFF khóa VIII sẽ là nơi quyết định cao nhất về nhân sự của cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Đại hội sẽ bầu ra 17 thành viên thuộc BCH (giảm 6 người so với nhiệm kỳ cũ), trong đó có 5 ủy viên thường trực bao gồm chủ tịch, 3 phó chủ tịch (phụ trách truyền thông, tài chính – vận động tài trợ và chuyên môn) và 1 uỷ viên thường trực. 12 ủy viên BCH còn lại sẽ được phân công vào các ban chức năng. 4 ứng cử viên cho vị trí chủ tịch VFF được đề cập nhiều trong thời gian qua là các ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch chuyên môn VFF khóa 7), Nguyễn Công Khế (Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Thanh Niên), Cấn Văn Nghĩa (Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia) và Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học TDTT quốc gia TP HCM). Trong 5 ứng cử viên được đề cử cho vị trí phó chủ tịch phụ trách truyền thông, ông Lê Thành Trung (Phó Tổng giám đốc HDBank) đã xin rút, chỉ còn các ông Nguyễn Xuân Gụ (Phó chủ tịch truyền thông khóa 7), Nguyễn Lân Trung (nguyên Phó chủ tịch truyền thông khóa 6), Nguyễn Văn Phú (Tổng biên tập báo Bóng Đá) và Cao Văn Chóng (nguyên Tổng giám đốc VPF). 2 ứng cử viên cho vị trí Phó chủ tịch chuyên môn là ông Dương Vũ Lâm (trưởng đại diện VFF tại TP HCM, nguyên Phó chủ tịch chuyên môn khóa 5) và ông Phạm Ngọc Viễn (nguyên Phó chủ tịch chuyên môn khóa 6). |
Ảnh: Q.Liêm, TTVN
Tác giả: Thanh Phương
Nguồn tin: Báo Người lao động