Mình không bao giờ nghĩ ngày mình vác bụng bầu theo anh đến nhà xin cưới cũng chính là ngày mở đầu cho chuỗi bi kịch trong cuộc đời. Không phải là bố, mẹ mà mình lại được nghe tiếng dạy dỗ của bà anh: “Công mà đòi sánh với cú, mày mang bụng đến đây bắt vạ cháu tao à? Không có việc làm mày định để gia đình nhà tao nuôi báo cô mày à?”… Tai mình ù đi khi nghe những câu nói ấy, cùng với đó là ánh mắt sắc lẹm và những cái đập bàn từ phía bà.
Nghe những tiếng mắng mỏ và những tiếng gõ bàn mạnh đó, ai có thể ngờ là bà đã ngoài 80. Nước mắt tủi hờn nuốt trọn vào bên trong vì bản thân mình chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Mang bầu trước được gia đình người ta cho cưới là đã may mắn lắm rồi.
Trước khi cưới, mình được biết tiếng bà là người ghê gớm, nanh nọc thích gây khó dễ cho người khác nhưng vẫn không bao giờ tưởng tượng cuộc sống của mình lại bế tắc đến như vậy.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng mọi việc trong nhà chồng, bà là người quán xuyến, chuyện gì cũng phải thông qua bà. Bố mẹ chồng mình nghe lời răm rắp, không bao giờ được ý kiến nửa lời. Bao nhiêu năm làm dâu nhưng mẹ chồng mình không bao giờ dám cãi bà dù chỉ một câu nhỏ.
Mình ở nhà đồng nghĩa với việc mình trở thành osin của cả gia đình. Dù bụng bầu ngày một to nhưng không một ngày nào mình được nghỉ ngơi. Thức dậy lúc 5h sáng và chỉ được phép đi ngủ khi phơi xong đống quần áo của cả nhà. Chồng mình thương vợ nên vẫn giấu bà đỡ đần mình, khi về phòng chồng chỉ biết ôm mình xin lỗi rồi bóp chân tay cho mình dễ ngủ.
Nhìn ánh mắt hằn học của cả nhà chồng mà mình thấy tuyệt vọng đến tận cùng. (Ảnh minh họa)
Một mình chồng đi làm nhưng mỗi tháng vợ chồng mình cũng cố để ra 2 triệu để góp tiền cơm. Làm con ai chẳng muốn góp nhiều hơn nhưng kinh tế không có nên vợ chồng mình đành chịu. Song mình đâu có ngờ rằng cái việc đó lại là đề tài cho bà nội chồng đi bêu rếu hết gia đình cô dì chú bác tới hàng xóm. Người thông cảm không sao, người ác mồm ác miệng còn nói mình là kẻ ăn bám, nhà chồng nuôi cả mẹ cả con, không có việc làm thì lấy chồng làm gì…
Cứ tưởng lời ong tiếng ve nên mình cũng mặc kệ, nhưng nhiều lần ăn cơm bà đánh tiếng xa nói con dâu nhà này nhà kia đóng tiền ăn bằng cả năm đóng của vợ chồng mình. Lúc đó mình xấu hổ vô cùng và chỉ biết mím thật chặt mồm vào không dám nói điều gì.
Mình mang bầu nghén rất mệt mỏi, nhưng chị cần đến giờ mà chưa kịp xuống nhà nấu cơm là bà lại hắng giọng từ dưới nhà lên kêu có mỗi việc ở nhà ăn với nấu cơm mà cũng không xong. Nên dù có mệt mình vẫn cố gắng lết cái xác đi nấu cơm. Mình cứ như con thoi, vừa nấu vừa phải chạy đi lấy hết cái này tới cái kia phục vụ nhu cầu của bà. Nhiều khi nước mắt mình cứ rơi mà không thể nào kìm lại được.
Không bữa ăn nào bà không chê món này món kia. Nhiều khi bà lấy đũa gẩy hết thức ăn này tới thức ăn khác, miệng chê bai mà không thèm gắp một miếng nào. Bà tức giận, cả gia đình chồng cũng không ai dám ăn, một mình ngồi bên mâm cơm nhìn ánh mắt hằn học của cả nhà chồng mà mình thấy tuyệt vọng đến tận cùng.
Ở nhà chồng có quá nhiều chuyện khiến cho mình dù có cố gắng thế nào cũng không có nổi được niềm vui. 9 tháng mang thai là 9 tháng mình sống trong nỗi buồn, rửa mặt bằng nước mắt, chan cơm bằng nước mắt. Nhưng có lẽ điều đó không ghê tởm và đáng sợ bằng việc bà chồng đối xử với mình sau khi mình sinh con.
Ngày mình sinh ở trong viện, bà vào ôm chắt mà ánh mắt sắc lẹm nhìn mình, rồi ném ra một câu lạnh sống lưng: “Mày giống mẹ mày nên xấu thế này, mai kia chó nó thèm rước, giống nhà bà giống ngọc giống ngà chứ đâu có đen hôi như này”.
Rồi đây cuộc sống của mình trong ngôi nhà này còn tiếp diễn thế nào? (Ảnh minh họa)
Vừa trải qua cơn đau cùng với bao nhiêu thứ căm hận dồn nén bấy lâu đã cho mình mạnh dạn nói thẳng vào mặt bà: “Con cháu xấu ngoại hình nhưng nhân cách của nó tốt đẹp, không giống như bà”.
Mình vừa nói câu nói đó thì ba mắng chửi mình “hỗn láo, hỗn láo” rồi xông vào đánh mình không thương tiếc. Chỉ khi có bác sĩ vào trong phòng thì bà mới chịu buông mình ra.
Ngày mình được xuất viện, vừa bước chân vào cửa thì quần áo của mình đã được để sẵn trước cửa. Bà lấy sẵn một chậu muối hất thẳng vào mặt mình và nói: “Cút ra khỏi nhà tao cái con ăn bám”. Lúc đó mình đã định bước đi, nhưng nghĩ tới câu nói của mẹ đẻ: “Có chết cũng là ma nhà người ta”, nhìn con khóc lặng thèm sữa trong tay mẹ chồng mà mình không dám bỏ đi.
Mình lặng lẽ bước đi trên phòng trong sự chửi rủa của bà. Chồng mình chỉ còn biết suýt xoa xin lỗi vợ mà không nói được câu gì an ủi. Mình hận gia đình nhà chồng, hận chồng không làm nổi chỗ dựa cho mình nhưng mình cũng hận luôn cả bản thân mình ngu ngốc, nhu nhược. Rồi đây cuộc sống của mình trong ngôi nhà này còn tiếp diễn thế nào, mình không dám tưởng tượng nữa.
Tác giả bài viết: N.M.T
Nguồn tin: