Kinh tế

Từ ngày 15/3, khách hàng vay vốn sẽ được đảm bảo quyền lợi chặt chẽ hơn

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay: Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ ngày 15/3 quy định rất thiết thực cho khách hàng khi vay vốn ngân hàng và các công ty tài chính.

Theo đó, các khoản lãi suất, khoản vay, điều kiện vay trên hợp đồng đều được thông tin một cách minh bạch. “Trước kia, khi ký hợp đồng với khách hàng, nhiều công ty tài chính đã đề trống phần lãi suất vay, sau khi ký xong mới điền vào. Điều này gây thiệt hại cho các khách hàng”, ông Hiếu nói.

Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính sẽ lập lại khuôn khổ pháp lý mới về cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đối với khách hàng nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, đảm bảo minh bạch trong hoạt động cho vay và bảo vệ quyền lợi của khách hàng vay.

“Một trong những thay đổi quan trọng đó là 2 thông tư đã đơn giản hóa một số hồ sơ, thủ tục cho vay như: Bỏ giấy đề nghị vay vốn của khách hàng tại hồ sơ đề nghị vay vốn; đơn giản hóa yêu cầu về phương án sử dụng vốn vay trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, Thông tư 39, Thông tư 43 có quy định cụ thể về trách nhiệm của TCTD khi thực hiện hoạt động cho vay”, lãnh đạo Vụ Pháp chế nói.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) giao dịch với khách hàng Ảnh: Huy Hưng.

Theo đó, thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng phải có nội dung thỏa thuận về mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (1 năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

Đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, TCTD và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì TCTD áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng vay, Thông tư 39 cũng quy định rõ trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, TCTD phải niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD; cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin.

Riêng lãi suất cho vay tiêu dùng, Thông tư 43 quy định công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

Ngoài ra, TCTD phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn đối với nợ gốc. Nội dung thông báo tối thiểu gồm: số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển quá hạn, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

Tác giả bài viết: Minh Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP