Tin địa phương

"Từ cuộc chia tay định mệnh bên hồ Tây tới cuộc gặp lịch sử tại Thúy Hồ…" (1)

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta bồi hồi nhớ về những ngày tháng 5 cách đây 78 năm (1940); vào thời điểm vô cùng gian nan của Cách mạng Việt Nam, người thầy giáo trẻ của Trường tư thục Thăng Long đã từ biệt người vợ yêu quý của mình trong một cuộc chia tay định mệnh để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ông đã có một cuộc gặp gỡ lịch sử, đối với chính người thầy giáo ấy và lịch sử của Cách mạng Việt Nam...

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta bồi hồi nhớ về những ngày tháng 5 cách đây 78 năm (1940); vào thời điểm vô cùng gian nan của Cách mạng Việt Nam, người thầy giáo trẻ của Trường tư thục Thăng Long đã từ biệt người vợ yêu quý của mình trong một cuộc chia tay định mệnh để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Ông đã có một cuộc gặp gỡ lịch sử, đối với chính người thầy giáo ấy và lịch sử của Cách mạng Việt Nam...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

...Cho tới bây giờ, không ai có thể lý giải một cách thỏa đáng việc, vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta lại lựa chọn ông Võ Nguyên Giáp, một thầy giáo dạy môn lịch sử, người chưa từng trải qua một trường lớp chính quy về quân sự nào để giữ các trọng trách như Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội..., và sau này lập nên những chiến công hiển hách, đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới. Đại tướng không phải là nhà hoạt động Cách mạng gắn bó với Hồ Chủ tịch từ những ngày đầu tiên, ông gặp Bác Hồ khá muộn so với nhiều đồng chí cách mạng tiền bối khác. Thế nhưng cuộc gặp gỡ lịch sử và đặc biệt ấy, cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa Bác và ông Võ Nguyên Giáp đã trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử của cách mạng Việt Nam...

Thời điểm ông Võ Nguyên Giáp chia tay người vợ yêu dấu cùng con gái để sang Trung Quốc thực hiện một nhiệm vụ Cách mạng quan trọng, đó cũng là thời điểm diễn ra một cuộc chia tay định mệnh trong cuộc đời ông...

Từ cuộc chia tay bên bờ Hồ Tây...

Một buổi chiều, vào đầu tháng 5 năm 1940.

Đến giờ đi dạy học, ra khỏi nhà một quãng, người thầy giáo trẻ ngoái lại nhìn ngôi nhà nhỏ, biết còn lâu mới quay trở về đây, khi đó chắc sẽ có nhiều sự thay đổi rồi.

Hôm đó là thứ sáu. Ông đã sắp xếp dạy dồn cả chương trình ngày thứ bảy vào thứ năm và thứ sáu, để có được một khoảng cách hai ngày, thứ bảy và chủ nhật, không phải đến trường. Mấy hôm trước, ông đã biên sẵn một lá thư cho ông giám đốc nhà trường (khi đó là thầy Hoàng Minh Giám), trong đó viết là về thăm nhà rồi bị mệt nên chưa ra Hà Nội được. Thư này, gia đình ông sẽ gửi từ Quảng Bình ra, sau khi ông đã đi khỏi Hà Nội.

Trường tư thục Thăng Long xưa.

Từ ngày ra Hà Nội hoạt động, ông Giáp đã làm nghề dạy học tại trường Thăng Long, một trường trung học tư thục. Mấy năm qua, làm nghề này, giữa ông và học sinh đã có nhiều gắn bó. Một số học sinh đã tìm đến với chủ nghĩa cộng sản. Cũng có đôi người biết ông sắp ra đi.

Năm giờ chiều, tan học. Ông lững thững đi về phía Hồ Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây. Tiếng ve sầu kêu ra rả. Ông vừa đi vừa để ý nhìn trước, nhìn sau xem có mật thám theo dõi không. May sao, chiều hôm dó, không thấy bóng dáng bọn chúng. Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi ông gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ, các đồng chí cũng đã cho biết là ông sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Nhưng vợ chồng ông Giáp khi đó mới có cháu nhỏ chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Quang Thái hẹn khi nào gửi được con, sẽ đi sau.

Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Vũ, thấy bà Thái ẵm người con gái - Võ Hồng Anh đã đứng đợi ở gốc cây vắng người. Bà rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Ông nói với bà Thái, ở nhà giữ liên lạc với tổ chức, tiếp tục công tác, cố gắng gửi gắm Hồng Anh để đi bí mật. Bà Thái nhắc ông, hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong khi hoạt động, gắng tìm cách báo cho nhà biết tin. Một đôi người quen đi ngang chào hỏi, tưởng hai vợ chồng đang đứng hóng mát. Hai vợ chồng đang nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau:

- Thầy có đi xe không?

Ông quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi. Ông chia tay vợ lên xe, không ngờ phút chia tay đó lại là phút vĩnh biệt...

Đến nỗi đau vĩnh biệt trước thời khắc chiến thắng

...Cuối tháng 3 năm 1945, ông về tới Chợ Chu.

Về đến đây, ông được biết ngay sau khi Nhật đảo chính pháp, Trung ương Đảng đã ra bản chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, ấn định đường lối, sách lược của Đảng trước tình hình mới. Khẩu hiệu: “Đánh đuổi Nhật - Pháp” nay đổi thành “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Đảng chủ trương “Phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái.

Ít ngày sau, ông nhận được thư của đồng chí Trường Chình, triệu tập về họp Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Ông bèn viết thư lên Cao Bằng báo cáo tình hình với Trung ương, rồi lên đường đi họp.

Đến Bắc Giang, ông thấy mình thật đã đặt chân lên cánh đồng màu mỡ kéo liền một dải của đồng bằng. Từ đây về đến Hà Nội chẳng còn đèo dốc nào, ông Cảm thấy đã gần nhà quá chừng.

Từ ngày lên đường đi họp, ông hi vọng về đây gặp các đồng chí sẽ được biết tin nhà. Mấy năm qua, không được tin tức gì về gia đình. Đã có lần gửi thư về nhà nhưng không rõ có đến nơi hay không. Ông cảm thấy ngày ông được gặp lại người vợ yêu dấu cùng con gái không còn xa nữa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Võ Hồng Anh cùng cháu ngoại năm 1974.

Buổi đầu gặp lại đồng chí Trường Chinh và các đồng chí sau bao năm xa cách, thật là vui mừng khôn xiết. Khi đang ngồi nghe các đồng kể chuyện địch khủng bố gắt gao dưới xuôi, cơ quan luôn phải di chuyển địa điểm, thì đồng chí Trường Chinh nói:

- Chị Thái chỉ vì gửi cháu chưa được, chưa kịp đi bí mật thì đã bị chúng bắt. Cũng không ngờ chị lại mất ở trong tù…

Ông lặng người đi.

Lát sau, ông hỏi: - Anh nói sao, Thái mất rồi ư?

Đồng chí Trường Chinh có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại: - Anh chưa biết tin à?

Khi ở Cao Bằng, các đồng chí cũng đã có lần nghe tin đâu như chị Thái bị bắt, nhưng vẫn giấu chưa muốn cho ông biết. Ông bàng hoàng đi sang buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều các đồng chí của mình nói là sự thật.

Bà Quang Thái và người con gái Hồng Anh.

Ông nằm nhớ lại ngày hai người mới gặp nhau ở Huế trong khi cùng hoạt động bí mật, nhớ đến những lời hứa hẹn sẽ cùng nhau phấn đấu trọn đời cho chủ nghĩa cộng sản, nhớ lại những điều đã dặn dò nhau khi chia tay, nghĩ đến người con gái Hồng Anh…

Sau này ông mới biết trong thời gian ông đi xa, ở nhà bà Thái vẫn tiếp tục hoạt động, làm liên lạc cho Trung ương; sau chuyến đi Sài Gòn để gặp đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (là chị ruột của bà Nguyễn Thị Minh Thái) lần cuối cùng trước lúc đồng chí bị đế quốc đem xử bắn, trở về nhà được ít lâu thì bị bắt.

Trong nhà tù, bọn đế quốc đã dùng mọi cực hình tra tấn để truy tìm mối dây liên lạc với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nhưng bà Thái đã quyết không khai một lời, giữ tròn khí tiết của một người đảng viên cộng sản, và đã mất tại nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội...

Liền hôm đó, cuộc họp lại tiếp tục. Các đồng chí đã hết sức tìm cách an ủi ông. Cho đến mãi về sau, trong không khí nô nức của những ngày tiền khởi nghĩa, mỗi lúc nghĩ đến người vợ yêu dấu, ông vẫn không tin được là họ sẽ không bao giờ gặp lại.

Nợ nước, thù nhà, oán hờn giai cấp, đối với người đảng viên cộng sản chỉ có thể trả bằng một cách: vượt lên những khó khăn, đau thương, kiên quyết tiến lên trên con đường Đảng đã chỉ rõ, dốc hết sức mình chiến đấu tiêu diệt quân thù, hi sinh tất cả cho sự nghiệp của Đảng, của nhân dân, của dân tộc...

(Còn nữa)

Tác giả: Nguyễn Phước Thắng

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP