Kiến trúc trụ sở mới của UBND TP.HCM - Ảnh: TL |
Tại cuộc họp báo của UBND TP.HCM diễn ra ngày 2.5, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết cơ quan này đang tổ chức triển lãm lấy ý kiến góp ý về việc xây dựng trụ sở mới UBND TP.HCM.
Qua hai tuần lấy ý kiến người dân, có hơn 110 phiếu góp ý, trong đó khoảng 60% ủng hộ và 40% là những ý kiến khác. Cụ thể, những vấn đề mà người dân quan tâm gồm: vị trí bố trí công trình, việc bảo tồn khối nhà cũ hiện là trụ sở làm việc của Sở Thông tin - Truyền thông, phương án thiết kế, kiến trúc công trình.
Theo ông Nhã, trước khi thông qua nhiệm vụ thiết kế, tiến hành thi tuyển thì UBND TP.HCM đã xem xét rất kỹ việc bảo tồn khối nhà cũ phía sau UBND TP.HCM. Tuy nhiên, các tòa nhà phía sau UBND TP.HCM không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa nên không cần tiến hành kiểm kê và xếp vào hạng di tích, bước đầu không được đưa vào diện bảo tồn. Còn nếu các công trình này nằm trong danh mục sẽ được ứng xử như công trình di tích.
Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói rằng nguồn vốn đầu tư trụ sở UBND TP.HCM sẽ được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Sau khi xem xét, lấy ý kiến người dân và quyết định phương án kiến trúc, thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BT.
“TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư công khai chứ không chỉ định đầu tư, kể cả đất giao cho nhà đầu tư để làm BT cũng phải đấu thầu”, ông Hoan khẳng định.
Ông Hoan cũng nhận định việc nâng cấp cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của UBND và HĐND TP.HCM không phải là xây dựng trung tâm hành chính. Trước đây, thành phố từng có chủ trương xây dựng trung tâm hành chính và có nghiên cứu một số mô hình trung tâm hành chính ở Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương. Mặc dù vậy, thành phố nhận thấy quy mô của công trình này tại TP.HCM phải lớn hơn gấp nhiều lần, trong khi TP.HCM không có một quỹ đất lớn để xây dựng.
“Có ý kiến cho rằng thành phố nên xây dựng trung tâm hành chính ở Thủ Thiêm hoặc Củ Chi vì nơi đó có quỹ đất lớn. Thế nhưng, TP.HCM không đủ đất để làm việc đó. Chưa kể, khi xây dựng trung tâm hành chính có rất nhiều vấn đề đặt ra như công tác quản lý, vấn đề an ninh… Để di dời từ trụ sở làm việc hiện hữu sang một trong tâm hành chính mới cũng phải qua rất nhiều thủ tục không hề đơn giản”, ông Hoan nhận định.
Người phát ngôn TP.HCM cũng nói rằng thành phố đang trong giai đoạn xây dựng đô thị thông minh nên cần một trụ sở để các nơi khác có thể kết nối vào khu vực trung tâm. Do đó, thành phố cần thiết phải cải tạo, nâng cấp và mở rộng trụ sở UBND và HĐND hiện hữu.
“Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng trụ sở UBND và HĐND TP.HCM, lãnh đạo thành phố cũng suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ. Do đó, thành phố đã đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, kiến trúc sư nổi tiếng. Thành phố ghi nhận những ý kiến ủng hộ và cả những ý kiến trái chiều để hoàn thiện phương án thiết kế”, ông Hoan nói thêm.
Đáng chú ý, nhận định về vấn đề này, TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM nói rằng ông và một số chuyên gia khác hoàn toàn không ủng hộ phương án xây dựng trụ sở UBND TP.HCM mở rộng.
Theo TS Võ Kim Cương, Thành ủy và UBND TP.HCM nên ngưng việc xây dựng mới tòa hành chính và phá bỏ công trình cổ. Thay vào đó, thành phố nên dành tiền cho các công trình trọng điểm chống kẹt xe và ngập nước.
“Một công trình kiến trúc có giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử thì không khác gì con người. Việc đập bỏ công trình đã tồn tại hàng trăm năm không khác nào giết chết nó và chẳng bao giờ có lại nó. TP.HCM cần có thời gian để quy hoạch và thiết kế khu hành chính phù hợp hơn. Khi nào hết kẹt xe và ngập nước hãy xây mới tòa hành chính thì có sao đâu?”, ông Cương nhận định.
Tác giả: Phan Diệu
Nguồn tin: Báo Một thế giới