Kinh tế

TS Lê Đăng Doanh: "Đồng tiền có chân" nên đừng để "đội nón ra đi"

"Tôi cảnh báo đồng tiền có chân, người ta sẵn sàng đăng ký doanh nghiệp ở Singapore, nộp 10 USD cho Nhà nước là có quyền hoạt động ngay. Ngày càng nhiều DN trẻ của chúng ta đầu tư vào Singapore, nhiều bạn trẻ đầu tư công nghệ thông tin, phần mềm, đóng góp thuế ở Singapore. Đừng đẩy những ý tưởng, khởi nghiệp, sáng tạo đội nón đi khỏi Việt Nam".

Đây là khẳng định của TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Tọa đàm kinh tế vĩ mô năm 2017 được Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) tổ chức ngày 16/1.

TS Lê Đăng Doanh khuyến cáo cần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.

Theo TS Doanh, năm 2018 không phải năm dễ dàng đối với kinh tế Việt Nam, đây là năm đầy hy vọng nhưng cũng đầy sức ép. "Chúng ta cần biến nó thành động lực cải cách thể chế, phát huy năng lực và tính sáng tạo của thế hệ trẻ. Tôi muốn rung chuông báo động để chúng ta phải hết sức tỉnh táo, nỗ lực trước quá nhiều thách thức", ông nói.

Ông Doanh cho rằng: Từ năm 2017 đến đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc đến cụm từ "thể chế", "thể chế" và "thể chế" trong phát triển và xây dựng nhà nước kiến tạo. Điều này cho thấy Chính phủ rất quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, yêu cầu trước mắt, cụ thể là phải công khai minh bạch thì người dân mới phát hiện được. Có quy chế mới bảo đảm công khai minh bạch.

"Chúng ta cần có sự chuyển hướng chính sách, để doanh nghiệp (DN) thay vì biếu xén, lợi ích nhóm, ăn chơi, dựa vào quan hệ phải đầu tư cho khoa học và công nghệ. DN trẻ đầu tư cho KHCN nền kinh tế mới có hy vọng thay đổi", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, nếu không cải cách thể chế thuận lợi, không ủng hộ DN trẻ để khởi nghiệp sáng tạo, trong khuôn khổ cộng đồng kinh tế ASEAN và thương mại tự do thì Việt Nam sẽ tụt hậu so với thế giới

"Tôi cảnh báo đồng tiền có chân, người ta sẵn sàng đăng ký doanh nghiệp ở Singapore, nộp 10 USD cho Nhà nước là có quyền hoạt động ngay, ngày càng nhiều DN trẻ của chúng ta đầu tư vào Singapore, nhiều bạn trẻ đầu tư công nghệ thông tin, phần mềm, đóng góp thuế ở Singapore", TS Doanh nhắc nhở.

Theo TS Doanh: Thời gian tới cần làm rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân, sau mấy năm tăng tốc thành lập doanh nghiệp, hiện nay đã có đóng góp 9% GDP, trước đó là 11% GDP.

Bên cạnh đó, tình hình của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), quả đấm thép là nợ nần to lớn, nhưng nhiều quả đấm thép hiện nay đầu tư nhưng đang thua lỗ và hết sức khó khăn, trong khi đó nhìn thẳng vào sự thật, đóng góp của DN dân tộc quá thấp, nền kinh tế đang dự vào FDI quá nhiều, nội địa hóa của họ không là bao nhiêu.

Vị chuyên gia đưa ví dụ: Vừa rồi, nội địa hóa điện thoại thông minh của Samsung là 52%, nhưng qua nghiên cứu của Fulbright đóng góp của DN Việt chỉ 16-17%, còn lại là DN Hàn Quốc theo Samsung vào Việt Nam cung cấp linh kiện cho DN Hàn Quốc, và Việt Nam nhận cái đó là "made in Vietnam".

Trong khi đó, người Mỹ rất chính xác, cái gì mà hàm lượng nội địa ở Mỹ trên 70% nói "made in USA", còn dưới 30% nói là đóng gói là "taken by USA". Điều này cho thấy, nếu áp dụng theo tiêu chuẩn như vậy, phần lớn sản phẩm của chúng ta là đóng gói chứ không phải sản xuất ra.

Năm 2018, là năm hội nhập bản lề, các hiệp định FTA được thực hiện nhiều, nhiều loại thuế suất nhập khẩu xuống 0% gây sức ép lớn cho ngân sách, khoản thu từ thuế nhập giảm khoảng 15.000 tỷ đồng, có thể giảm sút rất nghiêm trọng. Đều đó lý giải tại sao Bộ Tài chính có sáng kiến điều chỉnh 5 sắc thuế (thuế VAT, thu nhập cá nhân, thu nhập DN...).

"Tôi muốn rung chuông báo động, chúng ta nên hết sức tỉnh táo, nỗ lực trước sức ép của năm 2018. Vì năm nay chúng ta phải thực hiện ít nhất 16 Hiệp định FTA, với cam kết dỡ bỏ và giảm bớt thuế nhập khẩu, trong đó sức ép đối với chúng ta là FTA với EU có hoàn thành hay không hay việc thương lượng với các nước lớn của WTO công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ", ông Doanh lưu ý.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP