Du lịch

Truyền thuyết ẩn sau bảo tàng vàng ở châu Mỹ

Các hiện vật trong bảo tàng vàng của Colombia đều có nguồn gốc từ thời kỳ Inca và xung quanh nó còn chứa đựng nhiều truyền thuyết bí ẩn.

Gold Museum ở Bogota là một trong những bảo tàng quan trọng nhất của Columbia. Tại đây có hơn 34.000 lượng vàng, thuộc các nền văn hóa bản địa tồn tại hơn 500 năm trước. Các hiện vật được trưng bày là bộ sưu tập vàng lớn nhất trên thế giới của thời kỳ tiền Columbo ở Nam Mỹ.

Muisca Raft là hiện vật quý giá nhất của bảo tàng, được phát hiện vào năm 1886 trong một hang động ở Colombia. Nó dài khoảng 25 cm, nặng 287 gram với 80% là vàng, mô tả một thủ lĩnh đứng trên chiếc bè phẳng và được bao quanh bởi các linh mục và người chèo thuyền. Đó có thể là một nghi lễ ở thành phố huyền thoại của Tây Ban Nha, El Dorado.

Người Nam Mỹ bản địa trước đây có rất nhiều vàng và bạc. Họ khai thác thác trên dãy Andes và chế tác cùng các kim loại quý trong hàng nghìn năm, tạo ra những món đồ trang sức tinh xảo. Vàng được sử dụng trong tôn giáo và nghi lễ như một dấu hiệu của quyền lực.

Khi người Tây Ban Nha đến, họ nhanh chóng cướp vàng bạc của Đế chế Inca. Những thứ còn sót lại do được giấu trong những ngôi mộ bí mật, địa điểm linh thiêng, và hiện trưng bày tại bảo tàng Vàng (thành lập năm 1939).

Nhiều người cho rằng còn có kho báu lớn hơn ẩn sau bên trong một ngọn núi, vẫn đang chờ người đến khám phá.

Truyền thuyết bắt đầu từ thế kỷ thứ 16, khi hoàng đế Atahualpa bị thủ lĩnh Tây Ban Nha Francisco Pizarro bắt giữ. Pizarro đồng ý thả Atahualpa nếu hoàng đế Inca lấp đầy một căn phòng lớn bằng vàng bạc. Dù Atahualpa làm đúng thỏa thuận, vị thủ lĩnh Tây Ban Nha vẫn không chịu buông tha. Sau khi đòi và nhận được một khoản tiền chuộc cực lớn tiếp theo, Pizarro sợ quân của Atahualpa sẽ tổ chức tấn công nên quyết định xử tử vị hoàng đế.

Chuyện kể rằng khi quân của Atahualpa nghe tin về vụ ám sát, họ chôn vàng trong một hang động bí mật ở núi Llanganates, đâu đó giữa dãy Andes và Amazon.

Có một phiên bản cho rằng vàng được ném xuống một hồ nước để người Tây Ban Nha không bao giờ lấy được nó. Hơn 200 năm sau, hàng chục chuyến thám hiểm mang cả nghìn người đến tìm kiếm kho báu bị mất, nhưng vẫn không ai tìm thấy.

Có truyền thuyết khác kể rằng một người Tây Ban Nha tên là Vincente de Valverde, sau này trở thành giám mục của Cuzco, phát hiện ra vàng sau khi kết hôn với công chúa Inca.

Trước khi chết, Valverde viết một chỉ dẫn chi tiết cách tìm thấy kho báu và truyền lại cho vua C-harles V của Tây Ban Nha. Mọi nỗ lực xác định vị trí của kho báu đều không thành, mỗi lần vua cử người đi thám hiểm đều biến mất.

Không ai biết gì về kho báu hay bản đồ hướng dẫn cho đến hơn 300 năm sau (những năm 1850), khi nhà thực vật học Anh Ric-hard Spruce phát hiện ra chỉ dẫn của Valverde và một bản đồ có liên quan. Ông không thể tìm thấy vàng, nhưng kho báu được tin là có thật.

Truyền thuyết về kho báu mất tích của người Inca vẫn tồn tại đến ngày nay, truyền cảm hứng cho hàng chục cuốn sách, phim ảnh và các nhà thám hiểm trên thế giới.

Bảo tàng mở cửa từ 9h đến 17h các ngày thứ 3 - 7 hàng tuần. Chủ nhật và ngày lễ, bảo tàng mở từ 10h đến 16h, thứ 2 nghỉ. Giá vé vào cửa là 3.000 peso (khoảng 20.000 đồng).

Tác giả bài viết: Vy An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP