Du lịch

Truyền thông quốc tế "hiến kế" để Việt Nam an toàn trong mắt du khách

Hàng loạt các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra với du khách quốc tế tại Việt Nam đang gây chú ý với truyền thông nước ngoài về vấn đề an toàn tại quốc gia quyến rũ khu vực Đông Nam Á. Nhiều du khách cũng bày tỏ quan điểm riêng khi tới Việt Nam du lịch.


Trang ABC của Australia có điểm lại những bất ổn về vấn đề an toàn của khách nước ngoài khi tới Việt Nam du lịch.

Chỉ đầu tuần trước (16/3), ô tô mang biển Hà Nội chở khoảng 40 khách Trung Quốc va chạm với xe tải rồi đâm liên tiếp vào xe máy đi ngược chiều. Sự việc xảy ra ở xã Trung Chải, huyện Sa Pa, Lào Cai, khiến 1 người thiệt mạng và ít nhất 15 người khác bị thương.

Trước đó, ngày 26/2, 3 vị khách trẻ tuổi người Anh gồm Beth Anderson, 24 tuổi; Isobel Mackensie Squire, 19 tuổi; và Christian Sloan, 25 tuổi, đã tử vong khi tham dự gói tour du lịch mạo hiểm ở thác nước Datanla, Đà Lạt. Trong quá trình điều tra, phía công an phát hiện ra nhiều sai phạm dẫn tới vụ tai nạn đáng tiếc kể trên.

Chỉ hai ngày sau khi các vị khách người Anh tử nạn ở Đà Lạt, một du khách khác người Belarus bị phát hiện chết đuối dưới lòng hồ thác Pogour, Lâm Đồng. Và cách đây không lâu, khách du lịch mang quốc tịch Thụy Điển cũng tử vong khi tắm biển tại Bãi Sau, thành phố Vũng Tàu.

Các hãng truyền thông cũng liên tiếp đưa tin về sự gia tăng của tội phạm nhắm tới mục tiêu du khách nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh. Sở du lịch thành phố đã công bố kế hoạch thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, đảm bảo sự an toàn cho các vị khách nước ngoài.

“Du lịch Việt Nam vừa an toàn vừa nguy hiểm”

Theo Mark Bowyer, biên tập viên trang web du lịch Rusty Compass, bày tỏ quan điểm với ABC: “Việt Nam là điểm đến vừa an toàn vừa nguy hiểm. Bởi vậy, du khách cần chủ động đảm bảo sự an toàn cho bản thân”.

Khách Tây ở phố Bùi Viện


Ông cho biết: “Nguy cơ khủng bố ở Việt Nam rất thấp, ít du khách nước ngoài bị tấn công bạo lực. Tuy nhiên, tại đây vẫn tồn tại những điểm nóng đáng lưu ý như tội phạm đường phố, giao thông, các gói tour chưa đủ đảm bảo như đi thuyền ở Vịnh Hạ Long”. Mark Bowyer còn nêu lên một vài trường hợp tử vong do bị đuối nước ở vịnh Hạ Long, đáng chú ý nhất là sự việc năm 2011, khi 11 khách Tây và hướng dẫn viên bị chết đuối khi thuyền du lịch chìm.

Ông Bowyer nhận định, Việt Nam có môi trường du lịch khá ổn định, nhưng “mức độ thực thi và tuân thủ luật pháp trên thực tế còn thấp. Các quy định này hiếm đạt hiệu quả trong việc đảm bảo sự an toàn cho du khách”. Về ý tưởng thành lập lực lượng cảnh sát du lịch dành riêng cho người nước ngoài, ông Bowyer khẳng định, chỉ tin khi thấy kế hoạch được triển khai.

“Nên thiết lập đường dây nóng hỗ trợ nhiều thứ tiếng, hơn là thành lập lực lượng cảnh sát”

Steve Kinlough, người điều hành Orient Tours, nơi cung cấp dịch vụ visa cho khách nước ngoài, đồng thời là người quản lý một nhà hàng tại khu phố Tây ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nêu nhiều quan điểm riêng.

Ông cho rằng, việc thiết lập một đường dây nóng sẽ mang tính hiệu quả hơn so với việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch. “Vấn đề đặt ra là rất nhiều cán bộ địa phương không thể giao tiếp bằng tiếng Anh, chưa kể tới nạn tham nhũng. Điều thực sự cần thiết đó là lập đường dây nóng với sự hỗ trợ bằng nhiều ngôn ngữ”, ông Kinlough nói.

Ông Kinlough cũng đưa ra một vài lời khuyên, du khách không nên chụp ảnh trên đường phố, để lại những vật dụng có giá trị ở khách sạn, tránh đeo loại túi một dây bởi chúng có thể bị giật dễ dàng. “Mọi thứ không quá đáng sợ nếu như bạn lắng nghe những lời khuyên của người dân địa phương”.

“Bất cứ nơi nào trên thế giới cũng nguy hiểm”

Trái ngược với sự lo lắng, Michael Williamson, 22 tuổi, và Danielle Smith, 18 tuổi, hai vị khách Tây trong một quán bar ở phố ba lô Bùi Viện, tỏ ra bình thản. “Bất cứ nơi nào trên thế giới cũng tiềm ẩn nguy hiểm”, anh Williamson nhận định.

Vịnh Hạ Long, điểm đến được nhiều khách nước ngoài ưa thích


Anh cho biết đã ghé thăm một thác nước gần Đà Lạt, chỉ vài ngày sau khi 3 vị khách người Anh thiệt mạng. “Suốt thời gian đó, hướng dẫn viên chỉ dẫn chúng tôi nên đi đâu, làm gì. Họ biết rõ những thác nước và chúng ta nên tin tưởng họ”, anh nói.

“Thậm chí mẹ tôi còn gửi những email cảnh báo về các vụ tai nạn ở Đông Nam Á. Nhưng hầu như mọi người chẳng xảy ra vấn đề gì, Chỉ cần tìm hiểu thông tin và làm theo những nguyên tắc cơ bản thì bạn sẽ ổn thôi”, cô Smit khẳng định.

Tác giả bài viết: Việt Hà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP