Khoảng 87% phụ nữ Việt Nam tham gia khảo sát của tổ chức Actionaid vào năm 2015 cho biết họ từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, CNN đưa tin ngày 27/11. Actionaid là tổ chức quốc tế chống bất công và đói nghèo có mặt ở hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới.
Hình thức quấy rối da dạng, CNN dẫn lời chuyên gia Rachel Jewkes, giám đốc chương trình toàn cầu "Làm sao để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" cho biết quấy rối tình dục được định nghĩa bao gồm các hành vi tình dục không được đồng thuận ở mức độ từ nhẹ đến nặng, ví dụ như các lời nói khiếm nhã, khiêu khích, hành vi đụng chạm cơ thể cho đến nghiêm trọng nhất là hiếp dâm.
"Hãm hiếp là hậu quả cực đoan của quấy rối tình dục", bà Jewkes nói. Chuyên gia này lấy ví dụ trường hợp một người phụ nữ đi bộ một mình trên phố và ngang qua một nhóm đàn ông đang tụ tập. Cô ấy có thể sẽ phải nghe những lời bình phẩm khiếm nhã về hình thể hoặc bị trêu ghẹo, thậm chí chặn đường và tấn công.
87% phụ nữ Việt Nam được hỏi cho biết họ từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Đồ họa: CNN. |
Châu Á là một "điểm nóng" của nạn quấy rối tình dục. Bà Jewkes cho rằng các quy tắc xã hội của hầu hết các quốc gia tại khu vực này vô tình cho phép nam giới chiếm thế thượng phong ở hầu hết các không gian xã hội. Đường phố trở nên không còn an toàn với các cô gái và điều này khiến xã hội càng mặc nhiên quan niệm chỗ của phụ nữ là trong nhà.
Khảo sát của Actionaid chỉ ra tỉ lệ phụ nữ Việt Nam bị quấy rối nơi công cộng là cao nhất với 87%, tiếp theo Ấn Độ với 79%, Campuchia 77% và Bangladesh 57%.
"Ý thức hệ về quyền tình dục của nam giới rất mạnh... đặc biệt ở khu vực nam Á", chuyên gia Jewkes nhận xét. "Những nơi công cộng được coi là nơi dành cho nam giới. Đàn ông coi mình là người làm chủ chốn công cộng".
Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân dẫn đến phụ nữ ở các quốc gia châu Á này bị lạm dụng và xâm hại, bà Jewkes nói.
Ở các quốc gia phát triển, nạn quấy rối tình dục phụ nữ không nghiêm trọng bằng châu Á và châu Phi. Ở Mỹ, tỉ lệ phụ nữ từng bị quấy rối ở nơi công cộng lên đến 65%, trong khi ở Anh là 44%. Nhiều quốc gia châu Âu cũng nằm trong "danh sách đen", ví dụ như 52% đối với Đan Mạch, ở Phần Lan là 47%, Thụy Điển 46% và Pháp 44%.
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress