Giáo dục

Trường phổ thông 'lên dây cót' thi trắc nghiệm, lo giáo dục công dân

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi trung học phổ thông quốc gia 2017, các cơ sở giáo dục đã bắt đầu lên dây cót để điều chỉnh việc dạy và học, ôn tập theo điều kiện thi cử mới.


5226 DH SP TPHCM Phuong Vy 2
Học sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Thích nghi với trắc nghiệm

Theo ông Lê Vinh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, mặc dù mục tiêu giáo dục đúng ra là học để biết, để làm việc, nhưng trong thực tế giáo dục Việt Nam và áp lực công việc sau này thì học sinh học để thi. Điều này buộc nhà trường phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy làm sao các em vừa học để biết vừa học để thi.

Vì thế, trước sự thay đổi trong phương thức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, trường sẽ họp ban giám hiệu, các tổ chuyên môn. Các đơn vị sẽ có các đề xuất làm sao vừa cung cấp kiến thức cho các em vừa để các kiến thức đó trả lời được câu hỏi trắc nghiệm.

“Chúng tôi cũng đang chờ đề thi mẫu của Bộ để có thể chuẩn bị sát hơn,” ông Vinh nói.

Tại trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên, công tác chuẩn bị cho phương thức thi mới đã được trường tiến hành ngay từ đầu tháng 9, khi Bộ công bố dự thảo.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tuấn, việc đầu tiên của trường là thực hiện công tác phổ biến để thầy cô giáo nắm rõ chủ trương, sau đó là tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh.

“Kỳ thi có thay đổi khá nhiều với cấu trúc bài thi mới, hình thức thi mới, đặc biệt là môn Toán thi trắc nghiệm. Phụ huynh và học sinh rất lo lắng. Vì thế, thầy cô phải làm công tác tư tưởng để các em yên tâm,” ông Tuấn nói.

Bên cạnh việc ổn định tinh thần cho học sinh, các giáo viên trong trường cũng bắt đầu có điều chỉnh trong cách dạy và học.

Cụ thể, ở môn toán, thầy cô phải làm thêm các câu hỏi trắc nghiệm bên cạnh các bài giải toán như truyền thống. “Thầy cô giáo cũng phải ra câu hỏi đề dẫn với bốn đáp án, thực hành nhiều hơn trong các buổi học để học sinh làm quen với kỹ thuật thi trắc nghiệm. Với các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân cũng tương tự, phải đổi sang trắc nghiệm thay vì hình thức tự luận quen thuộc,” ông Tuấn nói.

Bản thân là giáo viên dạy toán, ông Tuấn cho rằng việc Bộ chuyển sang thi trắc nghiệm toán cũng là một giải pháp hợp lý.

Kỳ thi không nhằm chọn học sinh giỏi mà là xét tốt nghiệp và phân loại thí sinh, thi với quy mô lớn, nên việc thi trắc nghiệm cũng hợp lý khi đẩy nhanh được thời gian thi và chấm thi.

“Trước đây, khi Bộ chưa có chủ trương thì các thầy cô có thể chưa chú ý nhiều đến đề trắc nghiệm, nhưng đã có chủ trương thì các thầy cô tích cực thay đổi và học sinh cũng dễ dàng làm được. Nếu dạy tốt, học tốt thì thi hình thức nào cũng vẫn làm bài tốt,” ông Tuấn nhận định.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, ông Đặng Quang Ngàn cũng tỏ ra khá thoải mái với phương thức thi mới.

“Hòa Bình đã dự đoán được điều này từ cách đây hai năm, khi Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện thi trắc nghiệm trên máy tính, vì thế nên chúng tôi không bất ngờ. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải trang bị cho học sinh nền tảng kiến thức tốt thì dù thi trắc nghiệm, các em cũng sẽ vẫn làm bài tốt,” ông Ngàn nói.

Lo môn giáo dục công dân

Không lo lắng với trắc nghiệm vì cho rằng chỉ cần nắm vững kiến thức là có thể làm bài tốt, nhưng lãnh đạo các trường lại tỏ ra khá băn khoăn với môn giáo dục công dân.

“Thực ra, môn tôi lo nhất là giáo dục công dân,” Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn cho rằng việc đưa môn học này vào thi là hợp lý, để đánh giá toàn diện học sinh, vì thực ra nếu không thi thì các em cũng không chú trọng.

Tuy nhiên, trong các trường hiện nay, việc quan tâm đến môn này, cả việc dạy và việc học chưa đúng mức.

“Trường sẽ phải điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu chống điểm liệt. Ngay sau khi Bộ công bố đề thi mẫu, trường sẽ có những bước đi hợp lý, có thể là tăng tiết,” ông Tuấn nói.

Đây cũng là nỗi lo của Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, ông Lê Vinh.

Theo ông Vinh, trong những thay đổi của Bộ thì trường quan tâm nhiều hơn đến việc đưa môn giáo dục công dân vào kỳ thi.

“Việc thi trắc nghiệm thực ra học sinh cũng đã làm quen với các môn lý, hóa, sinh, nhưng giáo dục công dân là môn thi chính thức của kỳ thi thì khá mới vì đây vốn không phải là môn học được các em chú trọng,” ông Vinh nói.

Cũng vì lý do này, ngay sau khi Bộ công bố dự thảo phương án thi, trường đã tổ chức họp đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân. Lãnh đạo trường chỉ đạo giáo viên viết lại khung chương trình, trên cơ sở đó tích hợp các nội dung theo chủ đề. Giáo viên phải vừa dạy như truyền thống, vừa đưa ra hướng xây dựng các bộ câu hỏi trắc nghiệm để học sinh trả lời.

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đầu tháng ​Mười, Bộ sẽ công bố đề thi mẫu. Đây sẽ là cơ sở để học sinh và giáo viên tham khảo và có định hướng dạy và học cũng như ôn tập./.

Tác giả bài viết: Phạm Mai

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP