Trong nước

Trung tướng Lê Đông Phong: 'Xử nghiêm việc cảnh sát giấu án'

Theo Giám đốc Công an TP HCM, cảnh sát khu vực giấu án có thể do áp lực kéo giảm tội phạm, hoặc chủ nghĩa thành tích, và đây chỉ là hiện tượng chứ không phải chủ trương.

Tổng kết tình hình an ninh trật tự năm 2016, trung tướng Lê Đông Phong - Giám đốc Công an TP HCM - hôm 4/1 nhấn mạnh chủ trương tập trung xây dựng, chấn chỉnh lực lượng công an, nâng cao trách nhiệm, nhất là cấp cơ sở. Bởi theo ông, lực lượng này góp phần rất lớn trong biệc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Liên quan đến việc nhiều cảnh sát khu vực tại quận Tân Phú giấu án, ông Phong cho rằng đây không phải là hiện tượng phổ biến và càng không phải chủ trương của các quận huyện.

"Có nơi anh em trước áp lực phạm pháp hình sự xảy ra nhiều, lúng túng thực hiện các giải pháp kiềm chế kéo giảm tội phạm, hoặc chủ nghĩa thành tích, nên đã báo cáo không trung thực", Trung tướng Phong nói và khẳng định đã xử lý nghiêm những trường hợp này.


Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc Công an TP HCM. Ảnh: Quốc Thắng.

Theo qui định, tại địa phương, công an phường, xã luôn có 2 quyển sổ theo mẫu. Một quyển tiếp nhận tin báo của người dân, tố giác tội phạm; quyển còn lại ghi nhận sự việc diễn ra trong ngày. Thời gian qua, Công an TP HCM đã thực hiện hàng loạt cuộc kiểm tra, thanh tra và từ đó phát hiện những vụ giấu án.

Việc này sẽ được Công an TP HCM thường xuyên kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm, ngay cả điều chuyển thay thế người đứng đầu đơn vị yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ.

"Trước đây cũng có trường hợp đơn vị nghiệp vụ phá án, khi truy ngược lại tang vật thì phát hiện công an phường giấu án. Những trường hợp này đều đã bị xử nghiêm", ông Phong cho biết.

Đối với số liệu thống kê tội phạm giảm so với trước, người đứng đầu Công an TP HCM nói "con số này có thể tin cậy, bởi không có trưởng công an quận, huyện nào dám chủ trương kéo giảm tội phạm thì giấu bớt số liệu".

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh tội phạm, trong năm nay Công an TP HCM sẽ thực hiện triệt để đề án thay đổi, đòi hỏi cao hơn từ công an cơ sở. Theo ông Phong, khi quản lý dân cư mà có trách nhiệm cao thì những tâm tư nguyện vọng của nhân dân sẽ được quan tâm kịp thời. Từ đó, người dân sẽ cùng công an phòng chống tội phạm từ cộng đồng, từ cơ sở.

Năm 2016 TP HCM xảy ra hơn 5.200 vụ phạm pháp hình sự (giảm 799 vụ so với cùng kỳ). Án Cướp tài sản 165 vụ, giảm 71 vụ (hơn 30%); Cướp giật tài sản xảy ra 888 vụ, giảm 115 vụ (gần 12%); Trộm cắp xảy ra 2.859 vụ, giảm 557 vụ (hơn 16%). Cảnh sát nhận gần 13.000 tin báo tố giác tội phạm và hơn 90% trong đó đã được giải quyết.

Theo trung tướng Lê Đông Phong, để có kết quả này là nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, ngành công an cần quyết tâm hơn nữa bởi trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay căn nguyên của tội phạm vẫn còn.

Ông đánh giá cao tốc độ lan tỏa của Facebook, việc xác minh và xử lý kịp thời thông tin trên mạng xã hội có thể trấn an dư luận, giúp người dân hiểu đúng hơn về bản chất vụ việc. Vì vậy, Công an TP HCM sẽ phát huy ưu thế này, ứng dụng vào công tác để tạo điều kiện cho người dân phản ánh thông tin tội phạm nhanh nhất đến cơ quan điều tra.

"Nếu chúng ta lơ là tin báo của người dân thì khả năng đáp ứng, xử lý nhanh, ngăn chặn răn đe sẽ kém hiệu quả", ông Phong nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Quốc Thắng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP