Chùa Quan Âm Tự khi chưa tiến hành trùng tu. |
Hủy hoại một cách vô thức
Quan Âm Tự được hoàn thành vào năm 1843, là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 200 năm, trong chùa có nhiều tượng có giá trị, được công nhận là di tích kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo tỉnh Quảng Bình.
Trong thời kỳ chiến tranh, chùa bị bom đạn làm hư hỏng nặng nề. Năm 1991, chùa được nhân dân xây dựng lại và tiếp tục được trùng tu vào năm 2003. Năm 2000, chùa được công nhận là di tích kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo tỉnh Quảng Bình.
Trong quá trình trùng tu, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép song UBND xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã cho đập bỏ, san bằng toàn bộ ngôi chùa để xây mới.
Cụ thể: Vào tháng 12/2017, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương trùng tu chùa Quan Âm Tự với dự toán kinh phí là 1,6 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa từ cộng đồng dân cư.
Các hạng mục trùng tu, tôn tạo gồm: Gia cố kết cấu chịu lực, trùng tu phần mái, tường và nền chính điện; làm cổng tam quan; các hạng mục phụ trợ khác như lát nền, tháo dỡ các công trình phụ phát sinh ảnh hưởng xấu đến mặt tiền chính điện.
Tháo dỡ hoàn toàn ngôi chùa cũ, thay thế bằng nền móng bê-tông cốt thép. |
Điều đáng nói, ngày 04/4/2018 khi triển khai trùng tu, tôn tạo chùa Quan Âm Tự, UBND xã Đức Trạch đã cho tháo dỡ toàn bộ ngôi chùa, phá phần móng cũ để xây dựng nền móng mới bằng bê-tông cốt thép; tự ý khởi công xây dựng, sửa chữa khi chưa đủ các điều kiện quy định.
Việc làm trên cho thấy rõ sự “lệch chuẩn” trong quan niệm về trùng tu, phục hồi công trình tôn giáo đã bị xuống cấp; gây ra sai lệch, biến dạng di tích. Sự “lệch chuẩn” này là do nhận thức không đầy đủ, không đúng bản chất về giá trị đích thực đối với một di tích lịch sử - văn hóa của một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng và cán bộ “ngoại đạo” về khoa học bảo tồn tại địa phương.
Phía UBND xã Đức Trạch từng lý giải nguyên nhân về việc làm nóng vội, chủ quan này rằng: Việc trùng tu ngôi chùa, ban trị sự chùa Quan Âm Tự đã đặt vấn đề nhiều năm trước. Khi biết UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng thì các phật tử cùng ban trị sự chùa muốn khởi công vào ngày Phật Quan Âm và hoàn thành trước Lễ Vu Lan. Chính quyền đành phải cho phép khởi công theo đúng ý nguyện ấy.
Còn việc phá dỡ toàn bộ ngôi chùa, phá phần móng cũ để xây dựng nền móng mới bằng bê-tông cốt thép bởi lẽ ban đầu UBND xã Đức Trạch xin gia cố kết cấu chịu lực, trùng tu phần mái, tường và nền chính điện của chùa, không phải đập đi để xây mới hoàn toàn.
Nhưng khi khảo sát hiện trạng công trình cũ, các hạng mục như trụ móng bằng gạch, tường xây bằng vôi đã xuống cấp nặng. Nếu trùng tu, làm lại mái chùa dựa trên kết cấu cũ rất khó.
Đừng làm vơi dần các di sản
Chưa bao giờ nguy cơ biến mất của các công trình kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo lại hiện rõ như hôm nay. Không gì khác, chính con người đang tự hủy hoại các giá trị văn hóa, kiến trúc quanh mình dưới đủ hình thức, thậm chí phá hoại một cách vô thức.
Trong vụ việc trên, UBND xã Đức Trạch đã vi phạm một số hành vi bị cấm trong Điều 12, Luật Xây dựng 2014 như: Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định; Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng ban đầu; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm về pháp luật xây dựng.
Đồng thời, xã này cũng đã vi phạm Điều 13, Luật Di sản Văn hóa vì có hành vi Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa.
Về động thái xử lý vụ việc của Cơ quan Quản lý Nhà nước cấp tỉnh, trong ngày 09/6, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng đối với UBND xã Đức Trạch vì hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng chùa Quan Âm Tự khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Yêu cầu UBND xã Đức Trạch dừng các hoạt động hủy hoại di tích chùa Quan Âm Tự và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về trùng tu, tôn tạo di tích.
Nóng vội khởi công xây dựng, trùng tu di tích khi chưa đủ điều kiện quy định. |
Việc một công trình tôn giáo với niên đại hơn 200 năm bị trùng tu sai cách, làm mất đi gốc tích, hồn cốt của di tích sẽ được tiếp tục tiến hành ra sao. Giá trị bản sắc dân tộc, ý nghĩa của công trình tôn giáo xưa cũ còn lại bao nhiêu. Và trên hết là ý thức, trách nhiệm của UBND xã Đức Trạch trong sở hữu, quản lý di tích trên địa bàn đã nghiêm túc hay chưa?!
Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Bởi cho đến hôm nay, di sản của cha ông để lại không thêm, chỉ vơi bớt đi thôi. Đánh mất là mất hẳn. Nhận thức về di sản và bảo tồn di sản của nhà quản lý, giới nghiên cứu và cộng đồng dân cư... còn rất vênh nhau.
Tác giả: Nhất Linh
Nguồn tin: Báo Xây dựng