Trong nước

Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật tỉnh Đồng Nai: Phó giám đốc cùng thủ kho tuồn sữa ra ngoài giữa đêm

Trong khi hơn 50 trẻ mồ côi khuyết tật đang chống chọi với nỗi đau đớn của bệnh tật, chỉ được hưởng chế độ ăn ít ỏi thì Phó giám đốc cùng thủ kho của trung tâm này lại lén lút tuồn sữa ra ngoài để bán.

Theo tố cáo của những người làm việc tại Trung tâm (TT) Nuôi dưỡng trẻ mồ côi khuyết tật (MCKT) tỉnh Đồng Nai, trong khi hơn 50 trẻ MCKT đang chống chọi với nỗi đau đớn của bệnh tật và sự thiệt thòi của số phận, chỉ được hưởng chế độ ăn ít ỏi thì bà Võ Thị Tuyết Hồng - Phó giám đốc và bà Trần Thị Thủy - thủ kho của TT này lại lén lút tuồn sữa ra ngoài để bán.

Lén lút tuồn hàng từ thiện ra ngoài

Thời gian gần đây, báo Phụ Nữ TP.HCM liên tục nhận được phản ánh của cán bộ, giáo viên và các Mạnh Thường Quân (MTQ) của TT Nuôi dưỡng trẻ MCKT tỉnh Đồng Nai về những nghi vấn quà từ thiện của trẻ bị ăn chặn.

Bà Trần Thị Thủy (thủ kho) lén lút vận chuyển sữa từ kho ra xe trong đêm (ảnh cắt từ clip)

Theo phản ánh của một số giáo viên, từ tháng 6/2016, TT khuyết vị trí giám đốc, người đứng ra điều hành mọi hoạt động của TT này là bà Võ Thị Tuyết Hồng - Phó giám đốc TT. Trong thời gian bà Hồng điều hành, các giáo viên phát hiện nhiều điểm bất minh trong việc phân phối quà của các MTQ cho trẻ. Theo đó, mỗi khi có đoàn từ thiện đến trao quà, bà Hồng đều yêu cầu nhà tài trợ không trao trực tiếp cho trẻ mà gom hết về kho để thuận tiện cho việc phân phối. Thông tin về số lượng, đặc điểm quà mà MTQ trao không được công khai với tập thể mà chỉ có bà Hồng và bà Thủy nắm giữ và điều phối.

Một giáo viên đang công tác tại TT cho biết: “Từ lúc cô Hồng nắm quyền điều hành thì chúng tôi thấy số lượng quà của các MTQ mang đến cho các em rất nhiều, nhưng đến được tay các em thì chẳng bao nhiêu. Trong khi đó, số lượng quà không được công khai minh bạch cho các giáo viên mà chỉ có phó giám đốc và thủ kho của trung tâm biết. Từ những điểm này, chúng tôi nghi ngờ có tiêu cực trong việc phân phối quà của MTQ”.

Ngoài ra, nhiều tháng trở lại đây, một số MTQ nhiều lần nhìn thấy bà Hồng dùng ô tô của TT lén lút vận chuyển hàng hóa từ TT ra ngoài vào ban đêm, đến đường Dương Minh Châu (TP.Biên Hòa), chuyển hàng qua một chiếc ô tô màu đen (được cho là xe của bà Thủy). Nghi ngờ bà Hồng “tuồn” hàng của TT ra ngoài bán nên một số vị đã âm thầm theo dõi.


Hiện phóng viên báo Phụ Nữ thu thập được hai đoạn clip (được quay vào đêm 24/8/2016 và đêm 5/9/2016) thể hiện rõ cảnh bà Hồng cùng bà Thủy tự tay khuân các thùng hàng từ kho ra xe. Có lúc, bà Thủy còn dùng xe lăn chất hàng để vận chuyển. Sau đó, bà Hồng tự lái xe chở hàng ra đường Dương Minh Châu (đoạn gần Bưu điện tỉnh Đồng Nai) và trút sang chiếc xe Camry màu đen do một phụ nữ cầm lái.
Bà Hồng và bà Thủy chuyển hàng qua một chiếc xe khác tại đoạn đường vắng vẻ gần Bưu điện tỉnh Đồng Nai

Một MTQ bức xúc: “Tôi thấy bà Thủy và bà Hồng lén lút vận chuyển hàng hóa ra khỏi TT rất nhiều lần. Tôi phát hiện ra bà Hồng và bà Thủy là do những lần đến TT để tặng quà từ thiện, hai người này trực tiếp ra đón rất nồng nhiệt và nhận quà. Thật quá đau lòng và thương xót cho các cháu MC và KT ở đây vì việc làm vô đạo đức của các cán bộ này”.

Tiêu hủy sữa quá "đát" cũng phải bí mật?



Chiều 19/12, trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã thanh tra vụ việc bà Hồng vận chuyển hàng ra khỏi TT trong đêm. “Nhưng sự việc không như tố cáo đâu, sữa đó hết date (hạn sử dụng) rồi ấy mà” - ông Tịnh quả quyết, và từ chối trả lời “sâu” về vụ này với lý do “sẽ họp kiểm điểm bà Hồng, thứ Năm tuần này (22/12) và sẽ có hình thức kỷ luật đối với bà Hồng”.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai thì được hẹn làm việc lúc 14g ngày 20/12, nhưng đến 9g sáng 20/12, ông Lộc hủy hẹn. Qua điện thoại, ông Lộc cho biết: “Sữa bà Hồng vận chuyển ra ngoài trong đêm 24/8 và 5/9 là sữa hết date. Tuy nhiên, cách thức vận chuyển đã vi phạm nguyên tắc. Chúng tôi đã họp kiểm điểm bà Hồng với hai nội dung “thiếu trách nhiệm trong công tác” và “thực hiện không đúng chức năng lãnh đạo”. Ngày 22/12 sẽ đưa ra kết luận cuối cùng và có hình thức kỷ luật cụ thể”.


Chiều 19/12, bà Hồng từ chối tiếp phóng viên, nhưng đến sáng 20/12, qua điện thoại, bà Hồng phủ nhận việc mình lén lút vận chuyển hàng ra khỏi TT để bán. Bà nói: “Số hàng vận chuyển là 27 thùng sữa hết hạn sử dụng, được đưa ra ngoài để tiêu hủy, vì xe không đủ chỗ nên phải đưa đi hai đợt, đợt một gồm 20 thùng, đợt hai gồm 7 thùng. Trước thời điểm vận chuyển hàng đã có họp bàn với các trưởng phòng trong TT. Sau cuộc họp, TT đã thống nhất là sẽ giao cho văn phòng và bảo vệ xử lý số sữa này một cách kín đáo ngoài giờ hành chính nên mới có chuyện chuyển hàng vào ban đêm”.

Bà thanh minh: “Thật sự mà nói tụi tôi là lãnh đạo lẽ ra không nhúng tay vô chuyện đó. Nhưng khi cho các giáo viên xử lý số sữa hết hạn sử dụng thì không ai dám chở bằng xe máy đi ra cổng vì sợ người dân nhìn thấy. Đúng hôm đó, tôi để xe ở cơ quan rồi đi tập thể dục bên ngoài. Khoảng gần 18 giờ, tôi về TT thì các giáo viên mới nhờ tôi lấy xe chở số sữa ra bên ngoài để họ chở đi tiêu hủy. Lúc đó tôi cũng nghĩ đơn giản nên đã phụ đưa sữa ra bên ngoài. Chúng tôi phải làm trong đêm nhằm tránh gây phản cảm với các MTQ”.

Tuy nhiên, một giáo viên (giấu tên) đang làm việc tại TT cho biết, rất nhiều lần, bà Hồng lui xe ô tô vào sát phòng làm việc, chỗ gần nhà kho rồi tắt đèn, chờ mọi người về hết mới chuyển hàng. Cũng có lúc bà chuyển hàng ra ngoài vào ban ngày chứ không riêng hai ngày 24/8 và 5/9. Thông tin bà Hồng cung cấp cũng không khớp với nội dung thể hiện trong clip.

Bà Hồng khẳng định là “thấy các giáo viên đang khuân hàng, tôi đến phụ vứt hàng lên xe cho nó lẹ”, nhưng clip thể hiện chỉ một mình bà Hồng và bà Thủy khuân hàng lên xe trong đêm. Bà Hồng bảo “chỉ vận chuyển sữa hết hạn sử dụng và vận chuyển hai lần, lần đầu 20 thùng, lần sau 7 thùng”, tức tổng cộng 27 thùng nhưng clip thể hiện bà Hồng cùng bà Thủy vận chuyển đến 32 lượt. Đáng lưu ý, không chỉ sữa mà bà Hồng cùng bà Thủy đưa lên xe cả những cuộn giấy vệ sinh và một số hàng hóa có hình dạng khác thùng sữa.

Vấn đề đặt ra là khi vận chuyển sữa quá hạn sử dụng ra ngoài để người dân dùng cho heo uống (như lời bà Hồng nói), liệu có cần phó giám đốc và thủ kho cất công chờ đêm xuống để bí mật tuồn ra? Nếu đưa sữa ra để người dân dùng cho heo uống, tại sao dọc đường phải chuyển hàng qua một ô tô khác?

Việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai chỉ kết luận “đó chỉ là việc vận chuyển sữa quá hạn sử dụng đi tiêu hủy không đúng nguyên tắc”, liệu có thỏa đáng?

Tác giả bài viết: Sơn Vinh - Trần Triều

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP