Du lịch

Trung Quốc muốn dân làm khách du lịch văn minh

Một hướng dẫn viên du lịch kinh nghiệm vô cùng ngạc nhiên khi một du khách Trung Quốc sẵn sàng chi hàng nghìn euro để mua một chiếc đồng hồ nhưng lại tiếc 0,7 euro để đi vệ sinh.

Khi một đoàn Trung Quốc dừng chân ở một trạm thu phí đường cao tốc gần thành phố Frankfurt, Đức vào một buổi chiều mùa thu tháng 10, phiên dịch kiêm hướng dẫn viên du lịch của họ, Linda Li, thông báo về phí sử dụng nhà vệ sinh tại đó là 0,7 euro.

Theo South China Morning Post, thông tin này gây khuấy động trên xe. Nhiều người lần đầu ra nước ngoài càu nhàu rằng sử dụng nhà vệ sinh tại Trung Quốc chỉ mất khoảng 0,5 nhân dân tệ. Một số người quyết tâm không sử dụng dịch vụ. Thay vào đó, họ ra bên ngoài để giải tỏa.

Li lắc đầu và quay mặt đi. Cô đã đoán rằng họ sẽ làm như vậy bởi những du khách Trung Quốc lần đầu đặt chân ra nước ngoài vẫn thường như thế. Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó khiến cô ngạc nhiên: một người đàn ông trung niên ăn mặc bảnh bao đi bậy ở nơi công cộng.

“Tôi như chết lặng. Người này từ chối trả 0,7 euro để đi vệ sinh trong khi chi hàng nghìn euro để mua một chiếc đồng hồ của Vacheron Constantin trong cùng một chuyến đi”, hướng dẫn viên du lịch với 7 năm kinh nghiệm nói.

Những vụ việc tương tự cũng thường xuyên xảy ra khiến chính quyền nhiều nước nhận ra rằng du khách Trung Quốc thô lỗ không chỉ đem đến cho họ đống tiền mà còn hàng núi vấn đề. Những người này có tiền nhưng không lịch sự. Người dân địa phương cảm thấy khó chịu và tức giận. Trong nhiều trường hợp, nhiều du khách bỏ đi khi biết đoàn khách Trung Quốc tới.

Bát nháo gây mất thể diện quốc gia

Lượng khách Trung Quốc ngày càng đông. Năm 2014, hơn 100 triệu người Trung Quốc đại lục đi du lịch nước ngoài, theo Tổng cục Du lịch Quốc gia Trung Quốc (CNTA). Con số này đã tăng lên 120 triệu người vào năm 2015.

Trong đó, hơn 60% khách du lịch người Trung Quốc ra nước ngoài là nữ giới, chủ yếu là các chuyến du lịch mua sắm.

Số lượng ngày càng tăng đồng nghĩa với việc chi tiêu nhiều hơn. Theo CNTA, người Trung Quốc đã chi 104 tỷ USD vào du lịch nước ngoài trong năm 2015.

Một mặt, chính quyền nhiều nước cảm thấy hân hoan khi chào đón lượng lớn du khách Trung Quốc. Mặt khác, họ phải đối mặt với những vấn đề đi cùng sự bùng nổ này.

Năm 2013, một cậu bé 15 tuổi người Trung Quốc đã vẽ bậy lên một tác phẩm điêu khắc bằng đá tại một ngôi đền 3.500 tuổi ở Ai Cập. Sự kiện gây rúng động trên toàn thế giới và khiến người dân Ai Cập giận dữ. Nhiều người Trung Quốc tỏ ra ngượng ngịu, bối rối và xấu hổ. Sau đó, cha mẹ của cậu bé này đã đứng ra xin lỗi.

Tại Hong Kong, căng thẳng sục sôi sau khi một cặp đôi người đại lục cho đứa con 2 tuổi tiểu tiện trên phố. Đó là năm 2014. Vụ việc căng thẳng đến mức một nhóm người đã tổ chức biểu tình tại một trung tâm mua sắm đông đúc.

Tiếp đến, cuối năm 2014, các du khách Trung Quốc tiếp tục bị chỉ trích sau khi 4 hành khách ném nước nóng và mỳ vào một tiếp viên hàng không Thái Lan.

Giới chức Trung Quốc muốn giáo dục du khách nước này trở nên lịch sự hơn khi du lịch ra nước ngoài. Ảnh: SCMP


Chính quyền muốn dân thay đổi hành vi

Trước những trận bão chỉ trích, Bắc Kinh buộc phải thực thi các biện pháp nhằm thay đổi hành vi của công dân nước này. Luật du lịch đầu tiên có hiệu lực vào tháng 10/2013, giải quyết các vi phạm chủ yếu về du lịch trong nước.

Ngoài ra, giới chức cũng xuất bản cuốn sách hướng dẫn du lịch nước ngoài, trong đó yêu cầu “khách du lịch có trách nhiệm tuân thủ trật tự công cộng và tôn trọng đạo đức xã hội khi tham gia hoạt động du lịch; tôn trọng phong tục địa phương, truyền thống văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo; bảo vệ tài nguyên du lịch, môi trường sinh thái; và tuân thủ các chuẩn mực về hành vi du lịch văn minh”.

Trước đó, CNTA đã phát hành cuốn sách Hướng dẫn Du lịch Văn minh, gồm 64 trang tranh minh họa, nhằm giáo dục mọi người tuân theo các tiêu chuẩn xã hội ở nước ngoài, tư vấn về các chủ đề từ việc xếp hàng đến sử dụng nhà vệ sinh.

Thậm chí Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cân nhắc, đôn đốc người dân về cách hành xử. “Đừng vứt chai nước bừa bãi. Đừng phá hoại các rạn san hô. Ăn ít mỳ và nhiều hải sản địa phương hơn”, ông nói trong chuyến thăm chính thức tới Maldives vào tháng 9/2014.

Lời kêu gọi có lẽ xuất phát từ việc một số khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Maldives từ chối cung cấp nước nóng cho người Trung Quốc để tránh tình trạng họ ăn mỳ gói thay cho các bữa chính. Quốc đảo ở Ấn Độ Dương, nơi mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch, đón 332.000 lượt khách Trung Quốc vào năm 2013.

“Thật đáng buồn khi những lời nói của chủ tịch Trung Quốc không gây tác động chút nào tới các du khách nước họ. Những người tốt vẫn tốt nhưng những người thô lỗ vẫn như vậy”, Jenny Wang, một người làm du lịch, nói.

Gói tour rẻ, khách hàng kém văn minh

Các công ty du lịch lao vào cuộc chiến khốc liệt với những gói tour giá rẻ. Mức dịch vụ thế nào, du khách như thế. Những người chọn chuyến tour kiểu này thường là những người không tiếp xúc nhiều với thế giới và có xu hướng hành xử kém văn minh.

Li cho biết, trong những năm gần đây, nhiều công ty đại lục quảng cáo các tour du lịch với giá thấp một cách không thực tế, thỉnh thoảng chỉ gồm vé máy bay. Để kiếm tiền, các hướng dẫn viên du lịch buộc phải thu thêm phí của khách hoặc dẫn họ đi mua sắm. Chính quyền Trung Quốc cấm 2 hành vi này.

Trên Ctrip.com, đại lý du lịch lớn nhất Trung Quốc, một chuyến du lịch dài 6 ngày từ Thượng Hải đến Thái Lan giá 3.999 nhân dân tệ. Theo quảng cáo, gói bao gồm người hướng dẫn, bữa ăn, vé khứ hồi và nghỉ 5 đêm tại khách sạn 5 sao. Trong khi đó, vé khứ hồi Thượng Hải – Bangkok giá khoảng 1.600 đến 2.800 nhân dân tệ.

Li cho hay: “Du lịch nước ngoài là một thứ gì đó sang trọng. Tuy nhiên, thực tế là chúng tôi đang bán các chuyến đi với giá thấp đến mức những người có thu nhập thấp và ít học cũng dễ dàng mua được. Không giống như những người thường xuyên đi du lịch, họ biết rất ít về văn hóa và phong tục các nước".

“Nếu bán các tour du lịch quốc tế với giá hơn 5.000 nhân dân tệ, chúng ta có thể loại bỏ nhiều du khách xấu tính", cô gái nói. Li đề nghị Bắc Kinh đưa giá tour tối thiểu vào luật để chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và tiếp thị lừa đảo.

Wang cũng đồng tình với Li. Những hướng dẫn viên du lịch cho biết, họ gặp khó khăn trong việc quản lý hoặc “giáo dục” những du khách xấu tính. Trong vụ tấn công tiếp viên hàng không Thái Lan, CNTA cho biết, hướng dẫn viên có thể bị phạt. Tuy nhiên, các nhà khai thác du lịch cho rằng quyết định đó không công bằng.

"Nếu cha mẹ họ không thể giáo dục con trong từng ấy năm, làm sao mà chúng tôi có thể làm điều đó?", Li phản đối.

Con sâu làm rầu nồi canh

Một số chuyên gia cho rằng không phải du khách Trung Quốc nào cũng có hành vi xấu. Ảnh: Free Malaysia Today


Các chuyên gia du lịch cho rằng du khách Trung Quốc mang tiếng xấu bởi “vài con sâu bỏ rầu nồi canh”.

"Khách đến từ đại lục mà tôi gặp đều lịch sự và có giáo dục", Liu Fong Yu, một luật sư - người cho du khách thuê phòng tại nhà ở Đài Bắc, nói.

Ông cho biết, một lần, khi dẫn khách tới hiệu sách, họ đã chọn mua những tác phẩm giàu tính nhân văn. Liu và những vị khách trò chuyện về những tác phẩm văn học đến khuya.

Trong khi đó, Shi Ming, một kỹ sư nghỉ hưu sống tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là một người đam mê du lịch. Bà luôn cố gắng “quan sát và tương tác” với người địa phương trong mỗi chuyến đi. Dù tiếng Anh hạn chế, người phụ nữ này đã kết bạn tại 23 bang trong một chuyến đi Mỹ vào năm 2011.

Trong một chuyến bay, bà ngồi cạnh một người phụ nữ Mỹ bản địa. “Chúng tôi trò chuyện với sự giúp đỡ của từ điển. Cô ấy chia sẻ bữa ăn nhẹ với tôi và chúng tôi trao đổi những câu chuyện về cuộc sống”, Shi nói.

Li Jing Long, một trợ lý giáo sư tại khoa quản lý du lịch tại Trường Kinh doanh của Đại học An Huy cho rằng: “Giáo dục du khách nên là một ưu tiên. Nếu không, mọi người sẽ nhìn nhận xấu về người Trung Quốc”.

“Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng việc khuyến khích mở các tour du lịch 'dựa trên giáo dục' phát triển", ông nói.

Người đàn ông này cho hay: "Mỹ, Anh, Australia, Đài Loan và các tổ chức phi chính phủ đã thiết lập các nhóm giáo dục, như trong các công viên quốc gia, nơi mà những du khách có thể tìm hiểu về thiên nhiên và hành động như một tình nguyện viên. Trong khi đó, tại Trung Quốc, du lịch là việc kiếm tiền".

“Nếu chúng ta cố gắng dạy du khách Trung Quốc phải tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên thông qua các hoạt động như vậy, họ sẽ văn minh hơn và có trách nhiệm tại bất cứ nơi nào họ đến”, ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các học giả khác cho rằng vấn đề bắt đầu từ trong nước. "Chúng ta phải thừa nhận rằng người Trung Quốc bất lịch sự ở nước ngoài bởi họ cư xử thô lỗ khi ở nhà", Liu Si Min, một nhà nghiên cứu xã hội tại Trung tâm Nghiên cứu ngành Du lịch thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói.

Ông cho hay, nhiều du khách mới đi du lịch và không làm chủ được các kỹ năng.

Tác giả bài viết: Kim Ngân

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP