Số hóa

Trung Quốc đang đe dọa vị thế công nghệ của thung lũng Silicon

Với những sản phẩm sáng tạo, nhiều tính năng "đi trước thời đại", nền công nghệ Trung Quốc đang phát triển cực nhanh, đe dọa sự thống trị của thung lũng Silicon – vốn biết đến như là trung tâm công nghệ thế giới.


Trung Quốc đang dần khẳng định khả năng sáng tạo công nghệ, trực tiếp đe dọa vị thế của Thung lũng Silicon.

Snapchat và Kik đang sử dụng công nghệ nhắn tin bảo mật để thu hút người dùng, Facebook đang làm hết sức để biến Messenger thành ứng dụng có thể thanh toán, cả Facebook và Twitter bắt đầu tích hợp tính năng quay video trực tiếp lên dịch vụ của họ… Những công nghệ này tưởng mới nhưng lại khá phổ biến tại Trung Quốc.

WeChat (ứng dụng nhắn tin) và Alipay (dịch vụ thanh toán) là 2 cái tên khá nổi tiếng tại Trung Quốc, từ lâu đã tích hợp tính năng mua hàng và chuyển tiền thông qua mã QR (QR code). Đồng thời, người dùng còn dễ dàng trả tiền taxi hoặc đặt bánh pizza mà không cần phải cài thêm bất kỳ ứng dụng nào khác. Trong khi đó, YY.com là trang web cho phép stream video trực tiếp từ nhiều năm nay.

Không thể phủ nhận thung lũng Silicon vẫn là nơi sản sinh ra các sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới như iPhone hay Facebook. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cho thấy vị thế của mình, bằng việc "cấm cửa" các dịch vụ bên ngoài để chuyên tâm phát triển dịch vụ trong nước. Ngay cả các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ hay thế giới cũng lựa chọn quốc gia đông dân nhất thế giới để gia công sản phẩm, hoặc là thị trường trọng điểm, hoặc cả hai.

Rất nhiều thay đổi đang cho thấy vị thế về công nghệ của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Tại đây, rất nhiều ứng dụng di động của họ với các chức năng tiên tiến như thanh thoán hóa đơn, đặt hàng dịch vụ, xem video mọi lúc mọi nơi… nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Theo số liệu thống kê, thanh toán di động của Trung Quốc đã vượt Mỹ năm ngoái (2015).

Theo NYTimes, hiện các công ty Internet Trung Quốc là đối trọng duy nhất của Mỹ về quy mô. Việc thâu tóm nhiều công ty Mỹ gần đây, điển hình là Didi Chuxing mua lại Uber Trung Quốc hay Huawei, Xiaomi hay Oppo đẩy lùi thương hiệu Apple đã cho thấy tiềm lực của các công ty đại lục mạnh đến cỡ nào.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi trên thực tế, còn nhiều thứ Trung Quốc đi trước Mỹ ngoài những cái tên vừa kể trên. Trước khi ứng dụng hẹn hò Tinder "làm mưa làm gió", Trung Quốc đã có Momo. Trước khi Venmo trở thành ứng dụng chuyển tiền phổ biến tại Mỹ, Trung Quốc đã có một ứng dụng khác cùng chức năng; trước khi Amazon thảo luận cách sử dụng máy bay không người lái giao hàng, công ty giao hàng nhanh Trung Quốc SF Express đã có thử nghiệm tương tự; hay WeChat đã có nhiều tính năng mà hiện Facebook phải học theo… Ngoài ra, không thể không kể đến đây là nơi có máy chủ mạnh nhất, siêu máy tính mạnh nhất thế giới.

"Thẳng thắn mà nói, ngụ ý Trung Quốc sao chép Mỹ nhiều năm về công nghệ chưa hẳn đúng, bởi những năm gần đây, đang có xu hướng ngược lại", Ben Thompson, người sáng lập công ty nghiên cứu công nghệ Stratechery, nhận định.


Ứng dụng của Trung Quốc đang có nhiều tính năng đi trước Mỹ.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc luôn có các hướng đi mới sáng tạo hơn so với Mỹ những năm gần đây. Ưu điểm lớn nhất của ngành công nghiệp công nghệ cao của nước này, là bao phủ hầu hết các lĩnh vực, nhưng họ lại tập trung vào một vài đối tượng cụ thể. Không giống như ở Mỹ, nơi các ngân hàng và nhà bán lẻ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của mọi khách hàng, Trung Quốc ít khi làm như vậy. Thay vào đó, họ tập trung cho các đối tượng nhất định, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh.

Tại đất nước đông dân nhất thế giới, thanh toán di động cũng đang được đề cao. "Mỹ là nơi đầu tiên sử dụng thẻ tín dụng cho thanh toán, và nó cũng kèm một chiếc máy tính cá nhân. Nhưng ở Trung Quốc, những thứ đó đã được thay thể bởi thương mại di động và thanh toán di động, nơi người dùng linh hoạt hơn", Thompson nói.

Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc có cách tiếp cận người dùng khác. Nếu như tại Mỹ, các nhà phát triển nhấn mạnh tính đơn giản trong ứng dụng thì tại Trung Quốc, họ lại muốn tạo ra ứng dụng duy nhất và tích hợp vô số tính năng vào đó. Ví dụ, ứng dụng mua sắm Taobao của Alibaba có thể mua hàng tạp hóa, giao dịch tín dụng khi sử dụng trò chơi trực tuyến, tìm kiếm phiếu giảm giá, tìm kiếm cửa hàng thông qua bản đồ, đặt phòng khách sạn trực tuyến…

Việc tích hợp rất nhiều chức năng khiến người dùng thích thú hơn, đặc biệt là doanh nghiệp – vốn là đối tượng mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn. Theo Gao Feng, người sáng lập kiêm giám đốc Ebaoyang (start-up chuyên về lĩnh vực thay dầu cho ô tô), cho biết, hãng của ông vẫn dựa vào WeChat để kinh doanh và có tới 50% doanh thu đến từ giao tiếp bằng ứng dụng này và chỉ 20% đến từ khách hàng đến trực tiếp.

"Trung Quốc vẫn đang triển khai nhiều mô hình công nghệ sáng tạo, khiến nhiều nơi phải học hỏi trong đó có các công ty Mỹ. Dù khó chấp nhận, chúng ta vẫn phải thừa nhận nền công nghệ nước này đang phát triển mạnh mẽ và đang đe dọa vị thế của Thung lũng Silicon", nhà phân tích Chang, người dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường ở cả Trung Quốc và ở Menlo Park (Mỹ), nhấn mạnh.

Bên trong nhà máy sản xuất iPhone:


Tác giả bài viết: Bảo Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP