Sản phẩm từ khoai lang của vùng cát Quảng Bình mang lại thu nhập ổn định cho người dân. |
Chúng tôi đến xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, nơi có nhiều hộ dân thu nhập cao nhờ cây khoai lang. Chủ tịch UBND xã Hoàng Quang Đồng cho biết, cuối năm 2013, xã ban hành nghị quyết chuyển đổi 160 ha đất trồng dưa hấu, đậu các loại sang trồng giống khoai lang đỏ Chuồn xuất xứ từ Đà Lạt. Chủ trương, nghị quyết phù hợp với lòng dân cho nên ai cũng đồng tình, thống nhất cao. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ diện tích trồng đậu, dưa hấu phía sau làng được thay thế bằng những cánh đồng khoai ngút ngàn.
Ông Nguyễn Văn Thuyết, ở thôn 2 Thanh Tân chia sẻ, để trồng cây khoai lang, bà con lấy lại một ít củ trồng tại vườn nhà làm giống. Đến vụ thì cắt phần ngọn giống đó đưa ra ruộng trồng. Khoảng 15 ngày sau, khoai bén rễ, bắt đầu phát triển thì đánh luống hai bên, vùi rơm xuống rồi bón lân, ka-li để cây sinh trưởng phát triển. Sau bốn tháng, cây khoai lang cho thu hoạch. Một héc-ta cho năng suất bình quân đạt từ chín đến 12 tấn củ, với giá bán trên thị trường là từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thuyết có 1,2 ha đất trồng khoai lang, cho thu nhập gần 125 triệu đồng. Trong khi trước đây, cũng với diện tích này, ông trồng đậu và dưa hấu, mỗi năm hai vụ nhưng chỉ thu được khoảng 35 triệu đồng. Còn ông Trần Văn Tái ở thôn 2 Thanh Tân được bà con coi là “triệu phú khoai lang” bởi với một ha trồng khoai lang, gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng, con số lớn nhất ở vùng cát Lệ Thủy từ trước đến nay. Gặp chúng tôi, ông phấn khởi cho biết, năm nay khoai lang được mùa, lại được giá nên mới có hiệu quả lớn như vậy.
Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Hoàng Quang Đồng cho biết, trước đây, cây khoai lang được xem như loại cây trồng để chống đói và làm thức ăn chăn nuôi, nhưng vài năm trở lại đây, cây khoai lang đã được “nâng tầm” và trở thành loại cây cho thu nhập chính, cao gấp ba, bốn lần so với trồng lúa và các loại cây nông nghiệp khác. “Nếu năm năm trước, xã Thanh Thủy có 25% số hộ nghèo, thì nay nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chủ yếu trồng khoai lang, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống dưới 4,5%. Xã Thanh Thủy đang phấn đấu cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018”, đồng chí Hoàng Quang Đồng nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh trồng gần 2.000 ha cây khoai lang, chủ yếu là giống khoai lang tím Nhật Bản, khoai lang đỏ Chuồn. Ưu điểm của các giống khoai lang này là rất hợp với đất cát, khả năng kháng bệnh tốt và chất lượng củ thơm ngon, được thị trường ưa chuộng cho nên giá bán cao. Đặc biệt, khoai lang còn là nguyên liệu để làm nên sản phẩm khoai deo độc đáo và riêng có của miền gió cát Quảng Bình.
Ông Phan Xuân Lâm, chủ cơ sở sản xuất khoai deo Lâm Hường ở xã Thanh Thủy cho biết, trước đây phải đi khắp nơi trong huyện và cả huyện Quảng Ninh để mua khoai nguyên liệu nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu cho cơ sở sản xuất. Mấy năm gần đây, bà con trong xã mở rộng diện tích trồng khoai lang cho nên khoai nguyên liệu rất dồi dào, chất lượng tốt. Cứ đến mùa thu hoạch, chỉ cần ra cánh đồng khoai trong xã thu mua vận chuyển về hoặc bà con chở khoai về tận cơ sở. Trung bình mỗi năm, cơ sở của ông Lâm tiêu thụ cho bà con trong xã khoảng 400 tấn khoai củ nguyên liệu, đồng thời giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ bốn đến năm triệu đồng/người/tháng. Với nhiều sản phẩm được làm từ khoai lang, như khoai deo, mứt khoai, tinh bột khoai, bột khoai nguyên liệu làm bánh được tiêu thụ trên thị trường cả nước, mỗi năm, gia đình ông Lâm thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Không chỉ ở Thanh Thủy mà ngay tại vùng vốn ít đất cát để trồng khoai lang là xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh cũng đã tạo được thương hiệu “khoai deo Hải Ninh” có tiếng trong cả nước. Bình quân mỗi vụ, xã Hải Ninh chế biến 700 tấn khoai tươi, tạo ra 175 tấn khoai deo thành phẩm, với giá bán hiện nay là 100 nghìn đồng/kg, đạt doanh thu 17,5 tỷ đồng.
Với hiệu quả mà cây khoai lang mang lại, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây khoai lang, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Tác giả: HOÀNG PHÚC
Nguồn tin: Báo Nhân dân