Kinh tế

Trồng bí xanh bằng giàn lưới: Đầu tư thấp, năng suất cao

Không làm theo cách truyền thống như những hộ khác là dùng cây tre, tầm vông hay các loại cây khác để làm cọc chống cho bí xanh leo, gia đình anh Dương Cao Sỹ ở xóm Hồng Phú, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn đã thử nghiệm trồng mướp gieo giàn lưới. Cách làm này tiết kiệm được kinh phí cũng như thời gian chăm sóc.

Đối với trồng cây bí xanh thì việc lên hàng, cắm choái cho bí leo là một trong những công đoạn chiếm nhiều thời gian cũng như tiền bạc. Để bắt đầu vào vụ gieo trỉa bí, nông dân phải chuẩn bị một số lượng cây, sau khi trồng khoảng một tháng thí bắt đầu cắm chéo như mái nhà để cho dây leo. Với mỗi ha nông dân đầu tư khoảng 8 triệu đến 10 triệu tiền mua cọc chống cũng như thuê nhân lực để cắm các cọc này.
Làm bí xanh bằng giàn lưới tiết kiệm 1/3 thời gian và chi phí đầu tư
Với 13 sào bí xanh, nếu như theo cách truyền thống, anh Sỹ phải đầu tư hơn 6 triệu tiền cọc và thuê lao động làm khoảng 1 tuần, thì với phương pháp giàn lưới gia đình chỉ phải mua hơn 4 triệu tiền lưới làm trong 3 ngày. Đặc biệt, gia đình không phải thuê thêm nhân lực để làm vì cách làm này đơn giản hơn nhiều.
Nông dân Nghĩa Đàn thường trồng bí theo cách truyền thống là dùng cọc tre để làm giàn

Với giàn lưới chữ U, khi hết vụ anh chỉ cần cắt gốc bí, tiếp tục làm vụ khác, không mất công gỡ giàn như dùng cây cắm giàn chữ A theo cách truyền thống.

Giàn lưới có thể tái sử dụng nhiều lần, có không gian để leo, thuận lợi cho việc để quả
Theo anh Sỹ, trồng bí leo giàn lưới rất đơn giản, tiết kiệm công, không cần chăm sóc hay làm cỏ nhiều. Sau khi làm đất, bỏ phân, rải ni lông để tránh cỏ mọc và giữ độ ẩm cho đất. Sau khi xuống giống thì làm giàn, sau 1 tháng cây bí xanh bắt đầu leo. Việc làm giàn bằng lưới vừa thoáng, vừa không sợ giàn bị đổ như trước. Các cọc chống được đổ xi măng nên không phải thay, nếu sau không làm bí xanh nữa có thể dùng để làm bờ rào.
Thời điểm này, cây bí xanh đang bắt đầu ra hoa cho quả, sau 1 tháng sẽ thu hoạch
Tuy là cách làm đơn giản và mang lại hiệu quả hơn nhưng mô hình trồng bí xanh bằng giàn lưới trên địa bàn Nghĩa Đàn vẫn còn ít do nhiều nông dân chưa được tiếp cận, chưa mạnh dạn thay đổi. Để có thu nhập 70 đến 150 triệu đồng mỗi ha bí xanh, nông dân phải cần mẫn chăm sóc, hàng ngày theo dõi sâu bệnh để kịp thời xử lý. Mô hình trồng bí bằng giàn lưới sẽ góp phần giúp nông dân Nghĩa Đàn tiết kiệm công sức cũng như phí phí, nâng cao thu nhập cho người trồng bí.

Tác giả bài viết: Minh Thái

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP