Giáo dục

Triệt tiêu được việc học lệch theo khối thi của HS

Việc Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi THPT 2017 đã góp phần ổn định tâm lý của HS, phụ huynh và giáo viên các trường THPT.


Đánh giá chung cho thấy việc lựa chọn hình thức thi trắc nghiệm của Bộ sẽ khắc phục được tình trạng HS học tủ, học lệch.

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà trường, xã hội.

Điều này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng cho thành công của Kỳ thi THPT 2017. Đặc biệt là việc tăng số lượng câu hỏi thành phần của các môn, có điểm liệt cho từng môn và thi hết môn này rồi mới sang thi môn khác trong tổ hợp môn.

Như vậy, đề thi sẽ cho phép đánh giá kiến thức và năng lực của HS chính xác hơn. Đồng thời góp phần chống việc học lệch, học tủ của HS.

Trước đó, trong dự thảo phương án thi THPT, việc tính điểm liệt là điểm tổng của bài thi tổ hợp, có không ít băn khoăn từ cả HS và GV cho rằng những thí sinh thi khối A1 sẽ có nhiều ưu thế hơn trong phân bổ thời gian làm bài thi.

So sánh giữa dự thảo và phương án chính thức, thầy Phạm Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - cho rằng: Việc phân bổ thời gian bài thi tổ hợp và cách tính điểm liệt như phương án chính thức của Bộ GD&ĐT là rất thuyết phục.

Thầy Phạm Hùng nói: “Với việc tính điểm liệt trong từng môn của bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào phương án xét tuyển của các trường ĐH.

Mỗi môn thi thành phần sẽ có thời gian làm bài cố định vừa đảm bảo được tính công bằng giữa các thí sinh, vừa đảm bảo yêu cầu GD toàn diện, triệt tiêu được việc học lệch theo khối thi của HS; tư duy khi làm bài thi của HS cũng sẽ được liền mạch theo phân môn”.

Đặc biệt, với việc tăng thời lượng câu hỏi lên 40 câu trong mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp, nhiều CBQL ở cả bậc ĐH, CĐ cho biết, số lượng câu hỏi này đã đảm bảo tác dụng của việc xáo trộn các câu hỏi và phương án trả lời, độ bao phủ kiến thức sẽ rộng hơn; mức độ phân hóa của đề thi cũng được nâng cao hơn.

Thầy Phạm Hùng cũng cho rằng, với hình thức thi trắc nghiệm, khả năng tự học của HS được đẩy lên cao, nguồn tham khảo kiến thức cũng rộng hơn nên trong dự giờ, BGH nhà trường và tổ chuyên môn cũng sẽ xem xét việc GV có định hướng được cho HS kỹ năng tự học cũng như cách giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức hay không để có những điều chỉnh phù hợp trong phương pháp dạy – học.

Với việc chọn hình thức thi trắc nghiệm khách quan áp dụng với tất cả các môn thi, trừ môn Ngữ văn, theo thầy Phạm Hùng, BGH các trường cùng với tổ chuyên môn phải thẩm định được các đề luyện thi, đề minh họa trên các trang luyện thi trực tuyến để có thể giới thiệu các mẫu đề tin cậy cho HS tham khảo.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cũng chia sẻ: Việc Bộ GD&ĐT công bố sớm phương án thi THPT 2017 ngay từ đầu năm học đã giúp cho các trường chủ động trong công tác dạy - học.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cho các trường vẫn tổ chức hoạt động dạy - học bình thường vì dù hình thức thi như thế nào thì khối lượng kiến thức và chương trình - sách giáo khoa là không thay đổi, vẫn phải đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng.

Tuy nhiên, Sở cũng nhấn mạnh, trong quá trình dạy học và ôn tập, GV cần hướng dẫn HS phương pháp tự học, cách vận dụng các đơn vị kiến thức phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm, rèn kỹ năng làm bài cho HS, từ cách phân tích đề thi, kỹ thuật làm bài trắc nghiệm….

Dự kiến, đối với khối 12, ngoài việc tổ chức kiểm tra HKI, HKII theo đề thi chung của Sở GD&ĐT như những năm trước đây, Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ có thêm kỳ khảo sát ĐH để HS có thêm cơ hội làm quen với dạng bài thi trắc nghiệm ở các môn xã hội và môn Toán.

Riêng đối với GV các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và môn Toán, tùy theo tình hình thực tế, có thể Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về cách xây dựng hệ thống các bài tập, câu hỏi phù hợp với cấu trúc của Kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Tác giả bài viết: Hà Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP