Ngỡ ngàng thứ vi khuẩn lây từ bà nội
TS Trần Đăng Khoa – Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội cho biết, ông đã gặp bệnh nhân 8 tuổi đã bị ung thư dạ dày đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì bệnh này thường gặp ở người trung niên.
Nguy hiểm hơn là thủ phạm gây ung thư dạ dày tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ở ngay trong chính bữa cơm của gia đình.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến dạ dày.
Trong đó, tình trạng trẻ em bị viêm dạ dày tiên phát do nhiễm Helicobacter pylori (H.pylori) là chủ yếu.
Cầm trên tay kết quả xét nghiệm của các bác sĩ về bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP trầm trọng, chị Đinh Thu Phương trú tại Sóc Sơn, Hà Nội vẫn không tin vào mắt mình.
Căn bệnh con chị mắc phải là căn bệnh mà lẽ ra ở tuổi 30 – 40 mới bị. Chị kể con hay lười ăn và kêu đau bụng nhất là lúc cháu đi học về.
Chị cho con đi siêu âm không phát hiện ra bệnh nên sau đó chị cho con đến Bệnh viện Nhi trung ương nội soi. Kết quả nội soi, bác sĩ phát hiện cháu bị viêm dạ dày ở hạ vị do vi khuẩn H.P gây nên.
Sau khi nghe bác tư vấn, chị Phương ngớ người ra vì gia đình chị vẫn sử dụng chung các dụng cụ ăn uống, đặc biệt mẹ chồng chị bị đau dạ dày trước đó đã bị loét và phải điều trị lâu dài.
Chị Phương gọi điện về nhà bảo chồng xem kết quả sổ khám bệnh của mẹ, phát hiện bà cụ cũng được chẩn đoán viêm dạ dày theo vi khuẩn HP.
Chị không hề hay biết đây là bệnh có thể lây qua đường ăn uống nguy hiểm như thế. Cứ nghĩ đến việc vô tình lây bệnh từ người lớn, chị Phương lại tự trách mình không tìm hiểu kỹ.
Từ nhỏ con chị lười ăn nên ở nhà với bà đôi khi bà vẫn thổi cháo, ăn thử cháo cho cháu để tránh bỏng.
Chị bảo trong thời gian tới sẽ kiểm tra sức khoẻ cả nhà xem có ai nhiễm HP nữa không để điều trị dứt điểm tránh nguy cơ gây bệnh nặng về sau.
Cùng với chị Phương, rất nhiều phụ huynh khi đến khám ở Bệnh viện Nhi trung ương ngỡ ngàng vì con còn quá bé mà đã mang căn bệnh nguy hiểm.
Tiềm ẩn căn bệnh ung thư
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi trung ương, tỷ lệ viêm dạ dày ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng. Vi khuẩn HP được lây truyền qua đường ăn uống, phân - miệng hoặc miệng - miệng.
Trẻ có thể bị lây nhiễm vi khuẩn từ người lớn trong gia đình như ông bà, bố mẹ, hoặc bạn bè… Việc ăn chung, uống chung, dùng chung dụng cụ ăn uống như thìa cốc, bát đũa là ngay cơ làm lây nhiễm vi khuẩn.
Nguy cơ ung thư từ vi khuẩn HP rất cao theo thống kê có tới 50 – 60 % bệnh nhân ung thư dạ dày do xoắn khuẩn HP.
PGS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết, xoắn khuẩn HP là loại vi trùng duy nhất sống được trong môi trường dạ dày nơi có độ axit HCL rất cao với pH lúc đói đạt tới 2,5.
Người ta đã nghiên cứu thấy rằng HP chui sâu vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày đồng thời tiết ra các chất là trung hoà axi HCL cũng như làm tan các chất nhày đó.
Sau đó HCL, Pepsin và các men của HP cũng như các chất gây ung thư tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày gây tổn thương chúng.
Ngoài ra, HP còn gây nên chứng viêm teo niêm mạc, viêm niêm mạc dị sản tuýp ruột. Các nhà nghiên cứu coi viêm niêm mạc dạ dày dị sản tuýp ruột là tiền ung thư.
Tỷ lệ nhiễm HP ở các nước đang phát triển như Việt Nam tăng dần theo tuổi, từ 60 tuổi trở lên có tới 85% dân số nhiễm HP. Tỷ lệ nhiễm HP ở các nước phát triển rất thấp, chỉ từ 0- 5%.
Để phòng tránh vi khuẩn HP cũng được xem là cách tránh được bệnh ung thư dạ dày đó là tránh ăn chung, uống chung với dụng cụ cốc, bát thìa với người bị bệnh do nhiễm vi khuẩn HP.
Không nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ, vệ sinh môi trường, giữ nhà vệ sinh hợp qui cách, ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đai tiện.
Tránh ngủ chung nhiều người trên một giường đặc biệt với những người đã biết có nhiễm H. pylori hoặc bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Tác giả bài viết: Tiểu Nhã