Bị cáo Phạm Đức Tài (SN 1979, ở quận Nam Từ Liêm, cựu Chủ tịch HĐQT) hầu tòa cùng 10 đồng phạm về các tội danh trên.
Theo hồ sơ vụ án, IG tổ chức sàn giao dịch cho khách hàng tham gia kinh doanh vàng trên tài khoản, thông qua phần mềm MT4. Các đối tượng thuê máy chủ và phần mềm của đối tác ở Nga. Đồng thời thiết lập công ty “ma” tên là NAPMIG. Trên danh nghĩa, IG chỉ là bên môi giới nhưng thực chất khách hàng kinh doanh vàng tài khoản với công ty.
Các bị cáo tổ chức các lớp học, hướng dẫn nhân viên tư vấn, giới thiệu cho khách hàng IG là đại lý môi giới của NAPMIG. Tiền của nhà đầu tư sẽ được chuyển tới NAPMIG, IG chỉ hưởng tiền phí 35 USD/lot. Việc kinh doanh lỗ hay lãi là giữa nhà đầu tư và NAPMIG, IG không liên quan. Khách hàng được hướng dẫn tải phần mềm MT4 về máy tính hoặc điện thoại để tham gia mua bán vàng trên tài khoản.
Ngoài ra, mỗi khách hàng nộp tiền theo hai mức là 2.500 USD (tương đương 55 triệu đồng) và 5.000 USD (tương đương 110 triệu) để được cấp mã giao dịch đăng nhập vào tài khoản.
Bên cạnh đó, khách hàng có thể mua bán các sản phẩm khác như bạc, dầu, các cặp ngoại tệ. Khách hàng nộp tiền, Tài chỉ đạo lập phiếu chi tiền thể hiện số tiền được chuyển đến Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Nhân Đôi để khiến họ tưởng IG là công ty môi giới.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử |
Theo cơ quan chức năng, từ năm 2013-2015, đã có 500 nhà đầu tư nộp hơn 8,2 triệu USD và rút ra gần 5,5 triệu USD. Trong nhóm 13 mã giao dịch ảo, các bị cáo tạo ra số tiền nộp vào là hơn 2,7 triệu USD, rút ra là hơn 2,9 triệu USD.
Số tiền này không có thật, song việc tạo ra khoản tiền để khách hàng tin tưởng kinh doanh vàng dễ và lợi nhuận cao. Có 140 khách hàng ở Hà Nội đã nộp hơn 1 triệu USD, còn lại là nhà đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Thanh Hóa.
Cơ quan chức năng cũng xác định, hiện IG đã chiếm đoạt của khách hàng gần 3 triệu USD (hơn 65 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Phạm Đức Tài còn huy động vốn trái phép gần 50 tỷ đồng. Hiện số tiền chưa thanh toán là hơn 13 tỷ đồng. Các bị cáo còn thực hiện mua bán vàng miếng, kinh doanh vàng ký quỹ trái phép.
Để che giấu hành vi, Phạm Đức Tài chỉ đạo nhân viên yêu cầu khách hàng mua vàng miếng phải ký kết hợp đồng ủy quyền mua bán.
Cơ quan chức năng đã thu giữ 273 miếng vàng miếng; trị giá hơn 8,6 tỷ đồng. Trong tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng thu giữ, cơ quan điều tra đã trả lại cho khách hàng do IG huy động vốn, còn lại gần 330 triệu đồng.
Tại phiên tòa xét xử, số lượng các nhà đầu tư tham dự phiên tòa không đông. Tuy nhiên có bị hại trình bày, họ nộp gần 4 tỷ đồng vào tài khoản. Ban đầu lãi cao, nhưng chỉ sau 1 - 2 lần thì tài khoản báo lỗ liên tục, Nhân viên công ty hối hả nói phải nộp thêm tiền nếu không sẽ “cháy tài khoản”. Tin lời, các chủ tài khoản lo đi vay mượn, cầm cố nhà để nộp thêm tiền vào tài khoản.
Tại phiên tòa, hầu hết các bị hại đều khẳng định đây là chiêu thức lừa đảo, không đơn thuần như cáo buộc của Viện KSND.
Trong quá trình xét xử, do các bị hại bất ngờ có lời khai mới về số tiền thiệt hại. Con số này chênh lệch so với lời khai tại cơ quan điều tra.
Theo đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ số tiền các bị hại nộp vào tài khoản công ty đồng thời đề nghị làm rõ một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án này.
Tác giả: Mạnh Hùng
Nguồn tin: Báo Công lý