Tin địa phương

T.P Đà Nẵng: Vì sao quyết định 20 năm chưa giải quyết triệt để?

20 năm nhận được quyết định thu hồi đất bất hợp lý, gia đình ông Kỉnh đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan có thẩm quyền đề nghị xử lý vụ việc và xin được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo đơn trình bày của ông Phan Văn Kỉnh (SN 1948, trú tại Tổ 28A, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) gửi báo Công lý, trước đây gia đình ông nhiều đời đã đến ở tổ 28, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng lập nghiệp, khai hoang để sản xuất, ổn định đời sống và có nơi thờ tự.

Sau năm 1975, diện tích đất này được Tập đoàn sản xuất nông nghiệp phường Mân Thái (Tập đoàn) quản lý theo chính sách đất đai thời kỳ đó. Tập đoàn giao lại cho cha đẻ ông Kỉnh là cụ Phan Văn Nhạn và chú ông Kỉnh là ông Phan Văn Tường vốn là xã viên quản lý, canh tác nhiều thửa đất trong đó có thửa đất Tân Căn diện tích 682m2 đất. Sau khi nhận đất, cha và chú ông Kỉnh tự phân chia ranh giới cụ thể: cụ Phan Văn Nhạn sử dụng 01 lô đất diện tích 373m2; cụ Phan Văn Tường sử dụng 02 lô đất với diện tích 210m2 và 99m2.

Trải qua hơn 15 năm sản xuất, năm 1990, cụ Nhạn đăng ký kê khai đất, có xác nhận của UBND phường Mân Thái; Tập đoàn vào ngày 28/08/1990 thể hiện trong Tờ khai diện tích canh tác ruộng đất của hộ. Đồng thời, gia đình ông Kỉnh cũng được cấp Sổ thuế nông nghiệp gia đình số 108 đối với diện tích đất này và đã nộp đầy đủ thuế kể từ khi được cấp Sổ.

Ông Phan Văn Kỉnh (đứng giữa) cùng hai người em ruột bên phần đất tranh chấp do cha mẹ các ông khai hoang

Năm 1993, vì thửa đất khô cằn, không thể sản xuất được cùng với sức khỏe ngày càng yếu, cụ Nhạn đã chuyển nhượng diện tích 112m2 đã được khai phá cho ông Đặng Văn Rê, có Đơn xin chuyển nhượng đất ngày 13/10/1993; cụ Tường chuyển nhượng diện tích 210m2 đất cho ông Nguyễn Hữu Lộc theo Giấy thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất ngày 20/11/1993. Tất cả việc chuyển nhượng này đều được sự xác nhận và đồng ý của Tổ trưởng tổ 28 phường Mân Thái và của Tập đoàn.

Trong quá trình sử dụng , ông Nguyễn Hữu Lộc đã cố tình lấn chiếm sang đất của gia đình ông Kỉnh với diện tích gần 110m2 . Sự việc này đã được UBND phường Mân Thái giải quyết, đã tiến hành đo đạc, xem xét thực tế tranh chấp giữa hai bên và quyết định buộc ông Lộc phải tháo gỡ phần móng xây dựng trái phép, tuy nhiên, ông Lộc không chấp hành.

Ngày 26/04/1996, UBND Thành phố Đà Nẵng (cũ) tổ chức làm việc giữa các bên. Sau đó, gia đình ông Kỉnh đã nhận được Quyết định 2273/QĐ-UB ngày 7/11/1996 của UBND TP. Đà Nẵng. Trong quyết định này nêu: “Ông Phan Văn Nhạn và ông Phan Văn Tường là hai anh em ruột cùng sử dụng chung một thửa đất có nguồn gốc đất công do cha mẹ của hai ông khai phá để sản xuất hoa màu”.

UBND T.P Đà Nẵng nhận định rằng gia đình ông Kỉnh tự ý bán đất nông nghiệp do tập đoàn sản xuất nông nghiệp giao khoán cho ông Nguyễn Hữu Lộc và ông Đặng Văn Rê là trái quy định pháp luật. Từ đó, UBND TP. Đà Nẵng giao Ban địa chính lập thủ tục trình UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) ra quyết định thu hồi lô đất có diện tích 651m2 đất – lô đất gia đình ông Kỉnh và ông Lộc đang sử dụng hợp pháp, không có tranh chấp với bất kỳ ai cũng như vẫn tiến hành nộp thuế đều đặn hàng năm.

Ông Kỉnh cho rằng đây là việc làm vô căn cứ. Bởi lẽ, việc chuyển nhượng này là phù hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 75 Luật Đất đai 1993 “Việc chuyển nhượng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Người nhận đất phải được sử dụng đúng mục đích”.

Kể từ khi nhận được Quyết định 2273/QĐ-UB năm 1996 đến nay, gia đình ông Kỉnh đã liên tục gửi rất nhiều đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết vụ việc đồng thời xin được tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, đến nay vụ việc này vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Thay vì ra quyết định thì chỉ có những phiếu chuyển giữa các cơ quan với nhau khiến cho sự việc rơi vào bế tắc.

Ngày 25/3/2016, anh em ông Kỉnh đến Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng để yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ việc. Tại đây, cán bộ Văn phòng UBND T.P Đà Nẵng giao cho ông Công văn số 10249/UBND-NCPC ngày 24/12/2015. Công văn này có đoạn nêu: “Tuy nhiên, do chưa có cơ quan nào triển khai quyết định trên và tham mưu để ban hành quyết định thu hồi diện tích đất để quản lý theo quy định. Xét thấy Quyết định số 2273/QĐ-UB ngày 27/11/1996 của UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) đã có hiệu lực thi hành, do chưa ban hành quyết định thu hồi đất nên hiện nay UBND thành phố tiếp tục thực hiện thu hồi để quản lý sử dụng có hiệu quả”. Nội dung công văn này cũng khẳng định lại một lần nữa Quyết định 2273/QĐ-UB, ngày 27/11/1996 không phải là quyết định thu hồi đất.

Công văn 10249 cũng nêu nội dung yêu cầu Sở TN&MT T.P Đà Nẵng lập thủ tục trình UBND T.P ra quyết định thu hồi lô đất trên. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì từ ngày ban hành công văn ( 24/12/2015) đến nay vẫn chưa có cơ quan nào thực hiện. Chính việc làm này đã gây ra những bức xúc cho người dân vì cho rằng nhiều điểm còn mập mờ, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Như vậy, sự việc đã trải qua 20 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân, theo ông Kỉnh là việc thẩm tra, xác minh thiếu chính xác; bỏ lửng và thiếu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến việc 20 năm nay, gia đình ông Kỉnh khiếu kiện ròng rã nhưng vẫn vô vọng.

Việc các cơ quan trả lời lừng khừng kiểu “Quyết định số 2273/QĐ-UB là Quyết định đã có hiệu lực pháp luật” khiến gia đình ông và dư luận bức xúc bởi tại sao lại có sự vô lý như vậy, đất của dân để “treo” lãng phí hàng chục năm trời? Hiện nay, do chưa được hợp pháp hóa nên thửa đất này ngày càng bị các hộ dân xung quanh lấn chiếm khiến diện tích càng ngày càng bị thu hẹp lại, thậm chí còn trở thành một bãi rác.

Thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền ở TP. Đà Nẵng cần xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân, cũng là bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh.

Tác giả: Hải Nam

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP