Triều Tiên phóng tên lửa Hwasong-12 hồi tháng 9 (Ảnh: KCNA) |
“Chúng tôi nhận ra rằng châu Âu cũng lọt vào tầm bắn của tên lửa Triều Tiên và các nước thành viên NATO đang gặp nguy hiểm”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với báo Yomiuri Shimbun ngày 29/10.
“NATO đang bảo vệ các nước thành viên trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo thông qua các biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên vẫn cần tới nhiều nỗ lực ngoại giao hơn nữa để tìm giải pháp cho cuộc xung đột này”, ông Stoltenberg cho biết thêm.
Theo Tổng thư ký NATO, liên minh quân sự này đủ “khả năng và sự quyết đoán” để đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào cũng như bất kỳ “kẻ gây hấn” nào. Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng NATO không mong muốn chiến tranh xảy ra.
“Không đồng minh nào của NATO, và tất nhiên chính NATO cũng không muốn chiến tranh… Điều đó sẽ là một thảm họa”, ông Stoltenberg nói.
Phát biểu của Tổng thư ký NATO được đưa ra trước khi ông bắt đầu chuyến thăm tới Nhật Bản trong 2 ngày 30-31/10. Ông Stoltenberg dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, đồng thời thăm căn cứ hải quân của Nhật Bản tại Yokosuka trước khi tới Hàn Quốc.
Được phát triển dưới sự chỉ dẫn của Mỹ, các hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO được thiết kế để bảo vệ các nước châu Âu trước mối đe dọa từ các nước như Triều Tiên hoặc Iran. Các hệ thống này sử dụng mạng lưới radar với khả năng phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn trước khi phóng tên lửa đánh chặn từ tàu hoặc căn cứ trên đất liền.
Nga từ lâu đã lên tiếng phản đối các hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu, cho rằng Triều Tiên chỉ là cái cớ do NATO nghĩ ra còn mục tiêu thực sự của liên minh này là nhằm vô hiệu hóa các mục tiêu hạt nhân của Nga.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí