Kinh tế

“Tồn hơn 300.000 tấn, thịt lợn Việt Nam vẫn khó xuất khẩu vì chất lượng”

Giữa bối cảnh giá thịt lợn xuống thấp, trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính hiện cả nước vẫn còn tồn 300.000-400.000 tấn thịt lợn thì mặt hàng này vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang nhiều thị trường, mà nguyên nhân chủ yếu do chất lượng.

Còn tồn hơn 300.000 tấn thịt lợn

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 chiều qua (4/5), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, bằng những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi đã thực hiện, trong những ngày vừa qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đồng/kg thịt lợn hơi.

Tại các siêu thị, so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm, rất nhiều doanh nghiệp (DN) cung ứng cho các siêu thị lớn cũng đã giảm giá bán 10-20%.

Cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/5 nóng lên vấn đề giải cứu thịt lợn.

Ông Tuấn cho biết, bên cạnh những nỗ lực của các ngành, các cấp và sự chung tay của người tiêu dùng thì việc "đụng lợn" tại một số địa phương cũng đã góp phần làm giá thịt lợn hơi về cơ bản tương đương giá thành sản xuất.

Vị đại diện ngành nông nghiệp cũng khẳng định, sẽ nỗ lực giải quyết để lấy lại trạng thí cân bằng lại cung-cầu mặt hàng thịt lợn trong khoảng 2-3 tháng nữa trong bối cảnh vẫn còn từ 300.000-400.000 tấn lợn đủ điều kiện xuất chuồng.

Liên quan đến việc liệu có phải do nhập khẩu thịt lợn và các mặt hàng liên quan làm ảnh hưởng đến tiêu thụ các sản phẩm này trong nước hay không, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cả năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga… Tính về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước.

"Do đó, có thể khẳng định việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước", đại diện ngành công thương nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm, tại các siêu thị, các sản phẩm nhập khẩu thường có giá đắt hơn rất nhiều so với các sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước.

Cũng trong năm 2016, Việt Nam chỉ tạm nhập-tái xuất 20 triệu USD thịt lợn. Hiện nay Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang rất lưu ý và có nhiều biện pháp phòng tránh thẩm lậu các mặt hàng tạm nhập-tái xuất vào thị trường nội địa. Các mặt hàng tạm nhập-tái xuất chủ yếu là nội tạng lợn. Do đó sau khi được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã có các biện pháp để có thể sẵn sàng trong trước mắt tạm dừng tạm nhập-tái xuất các sản phẩm thịt lợn và liên quan đến thịt lợn.

Lý giải về việc tại sao nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có thịt lợn không thể xuất khẩu sang nhiều thị trường, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nguyên nhân trước hết là do chất lượng các mặt hàng này.

"Ví dụ như thịt lợn, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới chỉ có Hồng Kông và Malaysia là chúng ta đã ký Hiệp định về thú ý, công nhận chất lượng kiểm dịch. Như vậy nếu về chính ngạch sản phẩm của Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Nhưng cũng xin nói thêm là hai thị trường này chỉ nhập khẩu lợn sữa, với số lượng rất ít", đại diện ngành công thương phân tích.

Ngoài ra, riêng tại thị trường Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm, nước này đang siết quản lý chất lượng sản phẩm thịt lợn nhập khẩu. Trong khi đó, phía Việt Nam lại chưa công bố về tình hình kiểm soát vùng dịch bệnh (như dịch tai xanh). Vì vậy, sản phẩm thịt lợn của Việt Nam vẫn chưa thể nhập khẩu theo đường chính ngạch vào thị trường này.

Sản lượng lớn song thịt lợn Việt Nam chỉ có thể xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, không thể qua đường chính ngạch.

Xuất hiện 350 tỷ đồng nợ xấu cho vay chăn nuôi lợn

Đứng từ góc độ Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30.000 tỷ đồng, trong đó, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679, chiếm 57%, với số lượng bà con hộ nông dân và DN kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng.

Dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ, chiếm tỷ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, hợp tác xã, mô hình liên kết.

Theo đánh giá của ông Tú, với khối lượng dư nợ như vậy trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và DN không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu đã xuất hiện và tăng lên 352 tỷ đồng, chiếm 1,2% dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn. Hộ nông dân và cá nhân chiếm tỉ trọng lớn là 311 tỷ.

"Ngay từ khi có câu chuyện các DN và đặc biệt là hộ nông dân nuôi lợn không bảo đảm được thời hạn trả nợ thì NHNN đã cử các đoàn đi khảo sát ngay, tập trung ở một số tỉnh có số chăn nuôi lớn như Đồng Nai. Cho đến nay, số đã xử lý ngay cho những hộ gia đình và DN để thực hiện tái cơ cấu lại khoản nợ, tức là giãn nợ ra cho bà con, đạt là 364,7 tỷ đồng", ông Tú cho hay.

NHNN đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại: Đối với DN, bà con nông dân, do điều kiện giá thịt lợn đang giảm, tiêu thụ khó khăn thì tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, không chuyển nợ nhóm tức là giữ nguyên nhóm 1, với mức thời hạn thích hợp cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Về vấn đề hỗ trợ lãi suất, căn cứ vào khả năng tài chính của các ngân hàng thương mại, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại quan tâm và đặc biệt xem xét từng trường hợp cụ thể để có biện pháp miễn, giảm lãi vay, kể cả lãi suất nợ quá hạn để bảo đảm làm sao hỗ trợ cho bà con một cách phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, tránh trường hợp hiện nay đang rất thừa, nhưng nếu không có biện pháp tiếp tục chăn nuôi thì đến một lúc lại thiếu nên đối với những bà con vẫn tiếp tục có nhu cầu chăn nuôi lợn, NHNN có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay thêm, nhưng tất nhiên phải bảo đảm có lãi chứ không phải càng nuôi lại càng lỗ.

Tại một số địa phương, giá thịt lợn bắt đầu giảm ở các chợ, siêu thị. Hiện nay, giá thịt lợn tại chợ Trung tâm TP Sóc Trăng đã giảm khoảng 5.000 đồng - 7.000 đồng/kg. Cụ thể, sườn heo giá dao động từ 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg; thịt nạc, ba rọi, cốt lết giá dao động 65.000 đồng - 85.000 đồng/kg.

Còn ở siêu thị Co.opmart Sóc Trăng, sườn non 147.000 đồng/kg, thịt nách 67.000 đồng/kg, thịt đùi 73.000 đồng/kg, nạc đùi 82.000 đồng/kg, cốt lết 73.000 đồng/kg, thịt nạc dăm 82.000 đồng/kg, thịt vai 67.000 đồng/kg, giò heo rút xương 86.000 đồng/kg,…

Lý giải về nguyên nhân giá heo thịt vẫn cao trong khi heo hơi giảm, các hộ kinh doanh heo thịt cho rằng, do giá vận chuyển và tiền công thuê mướn mặt bằng, kể cả việc giết mổ heo phải tốn nhiều chi phí nên giá thành đội lên cao dù giá heo hơi có giảm.

Theo một số người dân, lý do người kinh doanh thịt heo không giảm giá bán vì nhu cầu sử dụng thịt heo của người dân là rất cao. Người nuôi phải bán khi heo đã lớn nên giá rẻ vẫn phải bán, còn người tiêu dùng không chấp nhận mua giá do người kinh doanh đưa ra thì phải mua các thực phẩm khác sử dụng trong gia đình, nhưng những thực phẩm đó không thể sử dụng thường xuyên, phổ biến được như thịt heo nên phải chấp nhận “qua sông lụy đò”. (Bạch Dương)

Tác giả: Bích Diệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP