Gần 1 tháng nay, nhiều diện tích tôm nuôi nước lợ ở tỉnh Quảng Nam xuất hiện dịch bệnh, tôm chết hàng loạt. Có hộ nuôi đành thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại, nhưng nhiều hộ đã mất trắng cả trăm triệu đồng.
Tôm nuôi của các hộ dân ở xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam bị mất trắng. |
Giữa trưa nắng, ông Dương Bá Thành ở thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cặm cụi quanh hồ vớt những con tôm chết còn sót để xử lý môi trường, chuẩn bị cho lứa tôm nuôi mới.
Ông Thành cho biết, cách đây khoảng 1 tuần, phát hiện tôm nuôi đột ngột bỏ ăn, lờ đờ trên mặt nước rồi dạt vào bờ. Khi bóc đầu tôm ra thì thấy gan và tụy bị trống, không có khả năng hoạt động được.
Mấy hôm nay, hồ nuôi tôm của ông Võ Đăng Thâm ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên tôm cũng chết trắng hồ. Với khoảng 2 ha ao nuôi, năm nay, gia đình ông đầu tư mua con giống, cải tạo môi trường ao nuôi hết hơn 200 triệu đồng. Mới thả giống được 45 ngày thì nay tôm mắc bệnh chết hết. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình cũng tiêu tan theo con tôm.
Ông Thâm buồn rầu chia sẻ: Tôm mới nuôi được một tháng nên còn nhỏ, không bán buôn được nên mất trắng luôn. Bây giờ ngân hàng không cho vay nữa, nên nếu muốn làm lại thì phải đi vay nóng.
Tôm chết nổi đầy hồ nuôi. |
Ông Trần Văn Sành, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, người dân địa phương nuôi tôm chủ yếu dựa vào nguồn nước ven sông. Cả xã có 78 ha nuôi tôm thì hơn 11 ha bị dịch bệnh, nhiều diện tích mất trắng. Ông Trần Văn Sành cho biết, hiện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam đã cấp 500kg clorin giúp các chủ hồ nuôi tôm xử lý dịch bệnh.
Trước tình hình đó, UBND xã Duy Vinh đã chỉ đạo không cho xả nước ở các hồ bị dịch bệnh ra sông, đồng thời xử lý hóa chất để diệt bệnh rồi mới tiến hành thả tôm lại.
Vụ 1 nuôi tôm nước lợ năm nay, toàn tỉnh Quảng Nam thả nuôi 1.000 ha, hiện gần 100 ha tôm đã bị dịch bệnh, chủ yếu tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ. Hiện tượng tôm chết với các bệnh không thể ứng phó được là đốm trắng, hoại tử gan tụy và taura.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sắp tới tỉnh sẽ quy hoạch lại vùng nuôi tôm nhằm giảm thiểu dịch bệnh. Chỉ đến hết năm 2018, nuôi tôm trên cát sẽ bị xóa để chuyển sang ưu tiên phát triển các dự án du lịch dịch vụ của Khu kinh tế mở Chu Lai. Bên cạnh đó, nuôi tôm ở vùng triều cũng sẽ cải tạo lại, thay đổi hình thức nuôi sang thâm canh, lót bạt, phải lấy nước từ biển vào, đồng thời đảm bảo môi trường khi thải ra bên ngoài./.
Tác giả: Phương Cúc-Tuyết Lê
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV