Số hóa

Toan tính của Asus khi tiến vào sân chơi di động cao cấp

Bước đi táo bạo của Asus gây nhiều bất ngờ với giới công nghệ và người dùng. Họ đang toan tính điều gì?

Asus tiến vào phân khúc smartphone cao cấp với dòng sản phẩm Zenfone 3. Ảnh: Duy Tín.


Trên sân khấu sự kiện Zenvolution hôm 14/7, vị CEO lần đầu sang Việt Nam Jerry Shen của Asus liên tục đặt câu hỏi “Is it incredible?” (tạm dịch là “điều này có phi thường không”) khi công bố mức giá các sản phẩm mới của Asus.

Bên dưới khán phòng, hơn 800 người tham dự liên tục xôn xao, ngạc nhiên vì sự “bất thường” trong mức giá các sản phẩm Asus đưa ra.

Vài ngày trôi qua, dư âm từ sự kiện Zenvolution của Asus vẫn khiến nhiều người bàn tán. Lần đầu tiên tại Việt Nam, hãng sản xuất Đài Loan tổ chức một sân khấu hoành tráng đến vậy để ra mắt sản phẩm mới. Họ mời hơn 800 khách, mời vị CEO nổi tiếng của tập đoàn sang Việt Nam và “đả nữ” Ngô Thanh Vân làm đại sứ thương hiệu.

Tại sự kiện này, họ giới thiệu “5 phone, 3 book” (5 mẫu di động và 3 mẫu laptop hoặc tablet dạng lai). Chưa bàn đến chất lượng các sản phẩm ra sao, mức giá công bố của một số model có thể khiến nhiều người không tin vào mắt mình: 18,49 triệu cho mẫu di động cao cấp nhất, 44,9 triệu cho mẫu laptop cạnh tranh MacBook, 39,9 triệu cho tablet lai cạnh tranh Surface Pro của Microsoft.

Tổ chức một sự kiện hoành tráng, chào giá các sản phẩm ở mức cao, có vẻ như Asus muốn đưa ra lời khẳng định: họ đang lột xác, trở thành thương hiệu cao cấp trong mắt người dùng.

Trao đổi với Zing.vn về việc tại sao hãng tự tin đưa ra mức giá cao như vậy cho mẫu Zenfone 3 Deluxe, CEO Jerry Shen đưa ra 7 điểm “nhất thế giới” của sản phẩm này, trong đó bao gồm thiết kế giấu ăng-ten đầu tiên trên một sản phẩm vỏ kim loại, hay smartphone đầu tiên dùng chip Snapdragon 821.

3 trong số những điểm "nhất thế giới" của Asus Zenfone 3 Deluxe, theo CEO Jerry Shen. Ảnh: Thành Duy.


Thực tế, giới công nghệ trong nước không tin rằng Asus sẽ thành công với màn chào sân này, đơn giản bởi thị trường di động cao cấp hiện là miếng bánh khó nuốt với bất cứ hãng sản xuất nào. Hãy nhìn những thương hiệu có bề dày kinh nghiệm như HTC, LG hay Sony vật lộn với nhóm di động cao cấp để thấy, mức độ khó khăn của thị trường ra sao.

Asus, trong khi đó, chỉ gây hiệu ứng ở nhóm di động giá rẻ và tầm trung nhờ một số model giá tốt. “Ở nhóm di động cao cấp, thương hiệu là yếu tố quyết định tất cả. Người ta có thể bỏ ra xấp xỉ 1.000 USD để mua một chiếc iPhone hoặc Galaxy S ngay cả khi những smartphone khác có giá rẻ hơn 100-200 USD, không thua kém bất cứ tính năng gì”, đại diện một nhà bán lẻ tại TP HCM chia sẻ.

Asus đã làm tốt trong việc quảng bá thương hiệu Zenfone như một lựa chọn giá rẻ cho người dùng phổ thông. Điều này vô tình sẽ là rào cản cho các smartphone cao cấp như Zenfone 3 Ultra hay Deluxe - những model vẫn gắn với thương hiệu Zenfone.

“Để thành công ở nhóm cao cấp, việc đầu tiên Asus cần làm là tách biệt các model cao cấp khỏi cái tên Zenfone, có thể là Ultra Phone hoặc gì gì đó”, một blogger công nghệ trong nước nhận định.

Tuy nhiên, việc Asus có thực sự đặt tham vọng lớn ở sân chơi di động cao cấp hay không vẫn còn là dấu hỏi. Phần lớn các chuyên gia trong nước cho rằng, đây chỉ là “đòn gió” của thương hiệu Đài Loan.

Họ tung các sản phẩm cao cấp, chào bán mức giá ngất ngưởng để làm thương hiệu nhưng sẽ dành sự tập trung cho các model giá mềm hơn như Zenfone 3 (giá lần lượt 7,99 và 8,99 triệu cho các bản 5,2 và 5,5 inch), Zenfone 3 Max

Giá bán của 2 phiên bản Asus Zenfone 3 tại Việt Nam. Ảnh: Thành Duy.


Điều này rõ ràng có cơ sở. Trong khi các mẫu Zenfone 3 tầm trung đang rục rịch lên kệ (dự kiến đầu tháng 8) thì Asus chưa đả động gì đến thời điểm bán ra của Zenfone 3 Deluxe và Ultra.

So với 2 thế hệ trước, các sản phẩm dòng Zenfone 3 có sự cách tân về thiết kế khi trang bị vỏ kính và kim loại, kiểu dáng cũng bắt mắt hơn, đồng thời sở hữu cấu hình khá mạnh. Trong khi tỏ ra thiếu tin tưởng vào các model cao cấp của Asus, phía đại lý lại khá lạc quan với các mẫu tầm trung.

“Khi ra cửa hàng, Zenfone 3 sẽ được điều chỉnh giá đôi chút để cạnh tranh tốt hơn. Khi đó, nó sẽ là đối thủ đáng gờm của các mẫu di động hot hiện nay”, đại diện một hệ thống bán lẻ ở Hà Nội nhận định.

Tuy nhiên, sẽ khó có một cơn sốt Zenfone như những gì đã diễn ra trong năm 2014. Với Asus, bài toán hiện tại của họ là lợi nhuận và thị phần. Năm 2014, họ tập trung vào việc đánh chiếm thị phần khi tung ra những chiếc Zenfone siêu rẻ, với sự trợ giúp của Intel. Có thông tin cho rằng, Asus không có lãi cho mảng di động.

Bước sang 2015, hãng đưa ra các mẫu Zenfone 2 với giá bán trung bình cao hơn và ngay lập tức gặp khó trong việc cạnh tranh. Tính đến tháng 5/2016, thị phần của smartphone Asus tại Việt Nam ở mức 2,5% (theo GfK). Asus sẽ còn nhiều việc phải làm để có những con số thống kê khả quan hơn trong năm nay.

Tác giả bài viết: Thành Duy

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP