Tin địa phương

Tỏa sáng những tấm gương bình dị

“Họ là những bông hoa đẹp rực rỡ, tỏa hương trong vườn hoa học tập Bác Hồ, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc, xây dựng con người Đà Nẵng một cách toàn diện, sống tốt hơn và cống hiến nhiều hơn cho đất nước và xã hội”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Xuân, thành viên Ban Giám khảo, nói về những nhân vật điển hình trong các tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Những gương sáng giữa đời thường”.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Xuân tặng giấy khen cho các tác giả đoạt giải nhất và nhì cuộc thi viết “Những gương sáng giữa đời thường”.

Hai mươi năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong sự phát triển của Đà Nẵng, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cán bộ, công chức, viên chức thành phố, còn có sự cống hiến thầm lặng của những người dân bình dị. Họ như những đóa hoa lặng lẽ góp hương cho đời để cùng chung tay, chung sức dựng xây thành phố Đà Nẵng ngày một văn minh, giàu đẹp.

Cũng chính vì vậy, cuộc thi viết “Những gương sáng giữa đời thường” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức vừa qua càng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Qua 237 tác phẩm dự thi hợp lệ trong tổng số 300 bài dự thi, những gương mặt, mảnh đời khác nhau được khắc họa một cách rõ nét, phong phú hơn. Đó là những người khuyết tật nhưng vẫn nỗ lực vươn lên, trở thành người thành đạt, hơn thế nữa là giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác. Đó là những thầy giáo, bác sĩ, chiến sĩ công an tâm huyết, tận tụy với nghề; những cán bộ hưu trí đã hết lòng với công việc của địa phương, của xã hội bằng tình yêu thương con người.

Đó là những em học sinh nghèo vượt khó, những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm cao. Hay đơn giản họ chỉ là những công dân bình thường của thành phố Đà Nẵng, dù cuộc sống còn lam lũ nhưng luôn sẵn sàng với công tác từ thiện, nhân đạo.

“Qua cuộc thi này, chúng ta biết đến “Bà Hồng Hoàng Sa” theo cách gọi của tác giả Hoàng Hân để khắc họa hình ảnh chân dung một nữ bác sĩ “dạn dày sóng gió” trong những chuyến ra biển cứu người, khiến chúng ta không khỏi cảm phục. Hành động của chị đã góp phần đưa biển, đảo gần hơn với đất liền, chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Bùi Xuân chia sẻ.

Hay chân dung về tấm gương cần cù, chịu khó, tiết kiệm và tấm lòng nhân ái, thương yêu, giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân của chị Nguyễn Thị Hội, hộ lý Bệnh viện đa khoa Liên Chiểu trong tác phẩm “Như những đóa hoa” của tác giả Đoàn Lương.

Dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng chị lúc nào cũng thể hiện tinh thần lạc quan và mong muốn làm từ thiện để giúp đỡ những người khốn khó hơn mình. Hay như qua tác phẩm “Hoa thơm giữa đời thường” của tác giả Nguyễn Xuân Tư, bạn đọc không chỉ biết đến việc chị Trần Thị Anh trả lại 1 tỷ đồng nhặt được, mà còn có thêm nhiều thông tin về những thành tích đáng ngưỡng mộ suốt chặng đường công tác và đóng góp của chị.

Và còn rất nhiều tập thể, cá nhân khác gửi tác phẩm dự thi với mong mỏi kịp thời phát hiện, góp thêm một tiếng nói, chuyển tải thêm một thông điệp để biểu dương, tôn vinh tấm gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, việc lựa chọn những tấm gương điển hình nhất được phản ánh trong các tác phẩm dự thi là điều không dễ dàng đối với Ban Giám khảo.

“Các thành viên của Ban Giám khảo đã phải rất vất vả trong việc chấm một lượng bài viết khá nhiều, chất lượng khá đồng đều; từ đó chọn ra 18 tác phẩm để Ban Tổ chức trao giải. Song, chúng tôi lấy đó làm vui mừng, vì chính các tác giả đã góp phần làm cho cuộc thi thành công trên sự mong đợi, góp phần tuyên truyền, phát hiện, cổ vũ mạnh mẽ và nhân rộng các tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ông Bùi Xuân khẳng định.

Cuộc thi không chỉ động viên, khích lệ tinh thần những tấm gương điển hình tiêu biểu mà còn nhân rộng và lan tỏa những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp giữa đời thường, góp phần xây dựng văn hóa, con người Đà Nẵng phát triển toàn diện, thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố.

Nói về ý nghĩa của cuộc thi, ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, thành công lớn nhất và trước tiên là thuộc về những tấm gương bình dị mà sáng ngời đã được các tác giả phát hiện, ghi lại.

Cuộc thi đã khắc họa được nhiều tấm gương sáng với nhiều góc cạnh của cuộc sống, công việc và tấm lòng bình dị mà cao quý trong xã hội để nhân rộng cho xã hội cùng học tập và làm theo. Và đây cũng là một trong những mục đích lớn nhằm góp phần thúc đẩy, đưa phong trào học và làm theo Bác trên địa bàn thành phố tiếp tục lan tỏa, nhân rộng trong thời gian tới.

Tác giả: Đoàn Lương

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP