Cuộc sống

Tình cảm thiêng liêng giữa cha và con gái

Tình cảm gia đình có thể nhìn dưới nhiều góc độ, khía cạnh, giữa mỗi thành viên trong gia đình lại có sự kết nối và thể hiện tình cảm khác nhau. Đặc biệt, trong đó, mối quan hệ giữa cha và con gái luôn có những cung bậc tình thương khác biệt mà phải là cha, là con gái mới hiểu được sợi dây thiêng liêng đó.

Đối với mỗi người, gia đình được xem là cái nôi nuôi dưỡng chúng ta trưởng thành mà ở đó ngoài tình mẹ bao la còn hiện hữu lên một sợi dây liên kết thiêng liêng đặc biệt: cha - con gái. Những tình cảm của bao người cha tuy âm thầm, trầm lặng nhưng vẫn mãi là bờ vai, vòng tay vững chãi che chở cho những cô con gái tựa vào. Và những cô con gái tuy đôi lúc có sự dỗi hờn, nhưng từ trong trái tim luôn dành tình yêu thương chân thật nhất cho cha mình. Và tình cảm thiêng liêng cao quý ấy đã được các tác giả thể hiện trong cuộc thi viết Cha và con gái lần thứ 2 được tổ chức vừa qua.

Tác giả Huỳnh Thanh Thảo với bài viết "Ba là "đôi chân" cho con", ở đó những dòng thủ thỉ chan chứa niềm yêu thương, biết ơn của cô dành cho cha khiến ai nghe cũng cảm động

Là người mắc căn bệnh xương thủy tinh, hình dáng không được như những người bình thường khác khiến cuộc sống của cô đã gặp muôn vàn khó khăn nhưng bên cạnh cô luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, đặc biệt là cha mình. Vậy nên, với Huỳnh Thanh Thảo, cha như một người vệ sĩ phi thường luôn bảo vệ cô con gái út bé bỏng, và đôi cánh tay của cha luôn thay "đôi chân" cho cô để đưa cô đi muôn nơi, bất kể đâu.

Tác giả Huỳnh Thanh Thảo và cha

Theo Huỳnh Thanh Thảo, từ xưa, người đời cứ thổi vào tai gia đình cô những lời nói khó nghe, nhưng cha cô đã chọn cách nuốt ngược vào trong và lờ đi tất thảy, cố gắng vun bồi cho tổ ấm của mình. Ông đáp lại thế gian bằng sự thinh lặng, cam chịu những lời cay độc, dù trong lòng vô cùng đau đớn. Điều khiến ông có thể tiếp tục đối mặt với cuộc sống và kiên trì vượt qua khó khăn chính là tình yêu dành cho con gái.

Từ đó, nhờ có cha mà Huỳnh Thanh Thảo đã được nuôi dưỡng, che chắn trong tình yêu thương vô bờ bến nên cô ngày càng tự tin hơn để hăng hái tham gia phong trào, nỗ lực mang về cho cha mẹ những phần thưởng nho nhỏ từ các cuộc thi viết, các buổi vinh danh ghi nhận sự lan tỏa và đóng góp tích cực. Qua đó, cha con cô đều hiểu rất rõ rằng "Khuyết tật chỉ là sự bất tiện chứ không phải là bất hạnh".

Nhờ có cha mà thế giới của cô rộng mở những chân trời mới lạ. Và cũng nhờ có cha mà cô có thêm ý chí ngoan cường để sống trọn vẹn như hôm nay.

Có thế thấy, đối với người đàn ông, được làm cha là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Ai cũng mong muốn cho con mình có cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ, lớn lên trong tình thương yêu. Thế nhưng, không phải người cha nào cũng có thể đồng hành cùng con trên bước đường trưởng thành một cách trọn vẹn nhất. Có những người cha vì cơ thể không lành lặn hay vì những biến cố cuộc đời mà hành trình làm cha của họ cũng vì thế thật nhiều chông gai. Dẫu vậy, tình cảm cha dành cho con là thứ luôn bền chặt, thiêng liêng mặc những "bão tố" cuộc đời.

Trong bài viết, "Người bố đặc biệt" của tác giả Trần Huyền Trang - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa đã khiến cho công chúng phải xúc động về bức thư viết tay gửi gắm đến người cha khiếm khuyết của mình.

Tác giả chia sẻ người cha của cô từ khi sinh ra đã kém may mắn khi không thể nghe cũng chẳng thể nói. Trong tiềm thức của cô, những âm thanh nuôi cô trưởng thành chỉ có tiếng hát ru của bà, lời bảo ban của mẹ.

Dù chẳng thể nghe được tiếng cha nói, chưa từng nghe lời trách mắng từ cha cũng chẳng bao giờ có thể nghe hai tiếng "yêu con" từ người cha ấy nhưng đối với cô, tình cảm mà cô cảm nhận được từ người cha không nằm ở những thanh âm.

"Tuổi thơ của con thiếu đi những lời dạy của bố nhưng chưa bao giờ con thiếu đi tình yêu thương, sự ân cần, chăm sóc của người… Ngày con lập gia đình, thay vì những lời căn dặn như bao người bố khác dành cho con gái mình, bố chỉ ôm con thật nhẹ nhàng, rồi quay đi khẽ lau giọt nước mắt ở khóe mi. Đó hẳn là những giọt nước mắt hạnh phúc khi thấy con gái mình đã trưởng thành và tìm được bến đỗ bình yên của đời mình, bố nhỉ" – Lời tâm sự của tác giả gửi cho cha mình trong bài viết.

Sự quan tâm bằng hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói. Chính tình yêu thương, sự chở che "không nói lên lời" của người cha đã trở thành động lực để tác giả Trần Huyền Trang mạnh mẽ và thành công hơn từng ngày.

Một bài dự thi viết tay khác cũng để lại nhiều xúc cảm trong lòng người đọc là bức thư gửi cha của tác giả Phan Trà My (12 tuổi, Hà Tĩnh). Những nét chữ nắn nót cùng câu chuyện về người cha làm thủy thủ xa nhà khiến người đọc cảm nhận được sự hồn nhiên nhưng cũng rất hiểu chuyện của một cô bé mới 12 tuổi.

"Cha thường xuyên không ở nhà nên con rất ghen tị với các bạn khác, khi đi học về là có cha hỏi han, trò chuyện sau những giờ học căng thẳng… Cha là một người thủy thủ, làm bạn với sóng với gió. Con biết hàng ngày cha phải đối mặt với biết bao nguy hiểm nhưng cứ mỗi lúc con gọi cho ba là ba lại nói: "Không sao đâu, không sao đâu", rồi nở nụ cười" - Trà My viết.

Qua những chia sẻ của các tác giả, có thể thấy, tình cảm gia đình có thể nhìn dưới nhiều góc độ, khía cạnh, giữa mỗi thành viên trong gia đình lại có sự kết nối và thể hiện tình cảm khác nhau. Đặc biệt, trong đó, mối quan hệ giữa cha và con gái luôn có những cung bậc tình thương khác biệt mà phải là cha, là con gái mới hiểu được sợi dây thiêng liêng đó. Và những người cha dù có là ai, là những người nông dân hay có địa vị trong xã hội… cũng đều "người hùng" trong mắt con gái. Sự hy sinh và tình yêu thương của cha dành cho con tuy thầm lặng nhưng luôn hiện hữu, tạo nên giá trị nhân văn cao đẹp về tình cảm gia đình./.

*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

Tác giả: Thương Nguyễn

Nguồn tin: toquoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP