Giáo dục

Tin vào “tiên đoán” đề thi , nhiều sỹ tử “há miệng chờ sung

Nhiều sỹ tử lại trông chờ vào vận may bằng việc học tủ theo “định hướng” của các trung tâm gia sư hoặc tin vào sự “tiên đoán” trên các diễn đàn học tập…

Ôn thi kiểu… “học tủ”

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội các sỹ tử liên tục chia sẽ những đường link của các trung tâm gia sư dự đoán, khoanh vùng phạm vi đề thi các môn ngữ văn, toán, lý… Có những trung tâm gia sư còn khẳng định chắc như đinh đóng cột là năm nào “tiên đoán” cũng đúng, thậm chí còn đúng đến 100%.

Trên trang cá nhân, Hương Giang (học sinh trường PTTH lê Quý Đôn, Hà Nội) chia sẻ những dự đoán của một trung tâm gia sư (Trương Định, Hà Nội). Theo đó, môn Ngữ văn được dự đoán: “Các tác phẩm trọng tâm THPT Quốc gia 2016. A. Phần thơ: Sóng - Xuân Quỳnh (59,9%), Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm (25,1%), Tây Tiến - Quang Dũng (8%), Việt Bắc - Tố Hữu (7%); B. Phần văn xuôi: Vợ nhặt - Kim Lân (47.7%), Vợ Chồng A Phủ (29%), Rừng xà nu (23.3%); C. Phần tùy bút: Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân (87.7%); D. Kịch: Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Lưu Quang Vũ (94.4%)”.

thi 1 1467085905
Những dự đoán môn Văn được chia sẻ tren facebook (Ảnh chụp màn hình)


Bên cạnh việc đưa ra những tác phẩm trọng tâm, trung tâm này tái khẳng định dự đoán của mình với lời khẳng định: “Tóm lại các em cần phải ôn 9 tác phẩm trong các thể loại thơ, văn xuôi, tùy bút, kịch đã nêu trên.

Chúng tôi dự đoán câu nghị luận văn học sẽ là Sóng (Xuân Quỳnh) hoặc Vợ Nhặt (Kim Lân). Năm trước fanpage đã đoán chính xác là bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Các anh chị ôn luyện khóa trước thì chắc vẫn còn nhớ. Chúc các em ôn và thi tốt nhé!”

Không dừng lại ở việc định hướng đề thi, trung tâm trên còn đăng tải thông tin bán đề và đáp án đề nghị luận xã hội “hot” nhất ôn thi PTTH Quốc gia 2016. Ngay sau khi những “tiên đoán” của trung tâm X. được đăng tải, nhiều sỹ tử rầm chia sẻ cho bạn bè, không ít sỹ tử còn coi đó là “bùa hộ mệnh” co kỳ thi lần này.

Hương Giang cũng bày tỏ hy vọng vào sự may mắn khi đề thi sẽ là những câu “trúng tủ”. Cô chia sẻ: “Hiện đang là khoảng thời gian “nước rút”, nhưng cứ học được một tiếng là đầu bị đơ, chữ nhảy múa mất rồi. Hy vọng sẽ có vận may và không bị “lệch tủ”. Cố lên, mục tiêu là chiếc Iphone 6 long lanh, ngọt ngào”.

Theo tìm hiểu của PV, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 bộ Giáo dục-Đào tạo thông báo không phát hành tài liệu ôn tập, đề thi các môn xã hội tiếp tục được ra theo hướng mở yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, hiểu biết xã hội, hạn chế ghi nhớ thuộc lòng các sự kiện để làm bài.

Chính vì thế, nhiều sỹ tử đã tìm đến các trung tâm gia sư cấp tốc để được luyện kỹ năng viết đúng, trúng, ăn điểm cao nhất. Không những thế, nắm bắt tâm lý học sinh mơ hồ với đề thi, lúng túng không biết ôn thi như thế nào cho hiệu quả, nhiều trung tâm đã bán tài liệu với giá cao ngất ngưởng.

Không chỉ riêng các môn nghị luận xã hội, trên nhiều diễn đàn xã hội, những dự đoán đề thi tự nhiên cũng được đăng tải khá chi tiết kèm theo lời giải. Cũng chính vì tin theo những “tiên đoán” của các trung tâm gia sư mà nhiều em học sinh dồn hết thời gian nước rút để “học tủ” và ngồi “há miệng chờ sung”.

Đừng trông chờ vào vận may

Trước tình trạng học sinh học lệch, “học tủ”, GS.TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục- Đào tạo cho rằng, học lệch, học tủ là hiện trượng phổ biến hiện nay.

Các bạn học sinh thường tập trung học các môn tự nhiên mà thiếu quan tâm đến các môn xã hội, hoặc có quan tâm cũng không đến nơi đến chốn. Tâm lý chung của các bạn đều muốn “đủ sống” trong các kỳ thi, kỳ kiểm tra.

“Hiện tượng học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Các bạn học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến “thiếu cân bằng” về tư duy”, GS.Nhĩ nhận định.

GS.Nhĩ cho rằng, việc học sinh “học tủ” để chuẩn bị cho kỳ thi cũng là một sự gian dối. Lâu nay, chúng ta vẫn tư duy học tập “học để lấy bằng, học vì bằng cấp”, điều này là hoàn toàn sai trái và dẫn tới những gian dối, tiêu cực trong dạy và học.

“Người ta vẫn nói học tài thi phận, điều đó chỉ đúng phần nào, nếu những người chỉ “học tủ”, trông chờ vào vận may sẽ không bao giờ có kết quả cao. Học là để trang bị kiến thức chứ không phải học cho xong nhiệm vụ. GS. Nhĩ nhắc tới mục đích học tập do UNESCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Tác giả bài viết: Ngọc Vy - Hoàng Trang

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP