Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: AFP |
Tờ Bangkok Post hôm nay, 31/10 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết chính quyền Anh hiện chưa công nhận cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra là đối tượng tị nạn chính trị.
Chính quyền Anh đã xác nhận rằng nếu cựu Thủ tướng Yingluck đang ở quốc gia này, thì bà đang ở đây dưới một dạng thức khác, không phải tị nạn chính trị, ông Don tuyên bố.
Ngoại trưởng Thái Lan cho biết chính quyền nước này hiện chưa thể xác định chính xác nơi ẩn náu của bà Yingluck kể từ sau khi bà bỏ trốn khỏi Thái Lan ngay trước phiên tòa tuyên án hôm 25/8.
“Hiện chưa rõ bà Yingluck đang ở quốc gia nào. Có tin đồn cho rằng bà Yingluck đã đến Anh”, ông Don nói thêm.
Ngày 27/9, tòa Tối cao Thái Lan đã tuyên án vắng mặt cựu Thủ tướng Yingluck năm năm tù giam vì thiếu trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Thái Lan đã thu hồi toàn bộ bốn hộ chiếu (hai hộ chiếu ngoại giao, hai hộ chiếu phổ thông) của bà Yingluck sau khi thời hạn kháng cáo kéo dài 30 ngày kết thúc hôm 27/10.
Văn phòng Tổng công tố Thái Lan (OAG) cho biết bà Yingluck đã không cử các đại diện pháp lý đến nộp đơn kháng cáo, hoặc xin gia hạn thời gian kháng cáo. Bản thân OAG, được xem là nguyên đơn trong vụ kiện, khẳng định không có ý định kháng cáo. Như vậy, theo luật định, vụ án của cựu Thủ tướng Thái Lan sẽ khép lại, y án phạt được tuyên một tháng trước đó.
Việc thu hồi hộ chiếu của bà Yingluck là một phần trong những nỗ lực của cảnh sát Thái Lan nhằm đưa cựu Thủ tướng về nước chịu án tù. Kể từ giờ, bà Yingluck sẽ không thể sử dụng hộ chiếu Thái Lan để di chuyển giữa các nước.
Quyết định này đã được thông báo đến Đại sứ quán Thái Lan trên toàn thế giới, tuy nhiên hiện chưa rõ bà Yingluck có sở hữu hộ chiếu nước ngoài hay không.
Cựu Thủ tướng Yingluck được cho là đã trốn khỏi Thái Lan vào ngày 23/8 để đến Dubai (UAE), sau đó đến London (Anh) xin tị nạn chính trị.
Khi được tờ Bangkok Post hỏi về thông tin trên, Đại sứ Anh tại Thái Lan - Brian Davidson cho biết: “Tôi chưa nhận được tin báo về việc này và cũng không có bình luận gì. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan có quyền đối với hộ chiếu của bất cứ người dân Thái nào.”
Ông Brian cũng khẳng định mình không biết bà Yingluck đang ở đâu.
Somkid Chuakong - cựu nghị sĩ đảng Pheu Thai tại Ubon Ratchathani nhận định việc chính quyền Thái Lan thu hồi hộ chiếu của bà Yingluck sẽ không ảnh hưởng đến đảng Pheu Thai, bởi cựu Thủ tướng dường như sẽ không di chuyển nhiều trong khoảng thời gian này.
Ông Somkid cho rằng bà Yingluck sẽ vẫn giấu mình và chỉ lên tiếng khi chính quyền Thái Lan cho phép bà hoạt động chính trị trở lại.
Trước đó, hôm 7/10, tờ Nation dẫn nguồn nhóm pháp lý của cựu Thủ tướng Thái Lan cho biết bà Yingluck hiện đang cân nhắc nộp đơn tị nạn tại Anh, Đức hoặc Pháp.
Ưu tiên của cựu Thủ tướng là nước Anh - nơi bà đang đang lưu trú dưới dạng visa du lịch và cũng là nơi anh trai Thaksin Shinawtra sở hữu một căn hộ.
Theo Nation, việc xin tị nạn chính trị ở Anh vốn rất khó khăn. Rất nhiều đơn xin tị nạn đã bị chính phủ Anh từ chối vì những quy định nghiêm ngặt và phức tạp. Trong năm 2016, chỉ 28% số đơn xin tị nạn được chính phủ Anh chấp thuận.
Chuyên gia luật Thanakrit Worathanatchakul cho biết những người xin tị nạn ở Anh buộc phải chứng minh rằng họ không thể quay trở lại quê hương vì những mối lo liên quan đến chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch hay quan điểm chính trị.
Cơ quan chức năng tại Anh sẽ mất sáu tháng để xem xét đơn xin tị nạn. Nếu đơn được thông qua, người xin tị nạn có thể ở lại Anh trong vòng năm năm. Nếu hết năm năm mà người xin tị nạn vẫn sợ phải quay về quê hương thì có thể nộp đơn xin định cư tại Anh.
Tác giả: Minh Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí