Tin địa phương

Tín dụng chính sách ở Bố Trạch: Dấu ấn giảm nghèo

Sau 16 năm phủ khắp 30 xã, thị trấn của huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã trở thành bàn đạp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

NHCSXH huyện Bố Trạch

NHCSXH huyện Bố Trạch giao dịch với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.


Đổi thay ở A Rem

Tính đến thời điểm nay, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Bố Trạch là 478 tỷ đồng, tăng 436 tỷ đồng so với khi mới thành lập (năm 2002) với 15 nghìn khách hàng vay và tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh chỉ chiếm 0,09% tổng dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 5.000 hộ thoát nghèo, gần 32 nghìn lao động được tạo việc làm mới, 2.500 người đi XKLĐ; hỗ trợ khoảng 11 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng được gần 2.000 căn nhà ở vững chắc và nhà phòng trành lũ cao ráo…

Những con số ấn tượng ấy đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 24% (năm 2005) xuống còn 9,2% (năm 2017) theo chuẩn mới. Dự kiến cuối năm nay, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người, tăng 10 lần so với một thập niên trước.

Bản làng của người ARem bên sườn núi phía Tây dãy Trường Sơn và lọt thỏm trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng đã đổi thay, thoát cảnh “ăn lông ở lỗ”, nghèo nàn lạc hậu như 10 năm về trước. Điển hình như gia đình anh Đinh Pin. Nhờ vay vốn ưu đãi nay đã trồng được 1ha thông lấy nhựa, nuôi 07 con bò và 15 con dê.

Hay, hộ ông Đinh Trặp vay 4 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo để xây dựng chuồng trại ngăn nắp, mua con giống chọn lọc để phát triển chăn nuôi bò, lợn theo sự chỉ dẫn kỹ thuật của cán bộ xã.

Đến nay, các hộ đã thoát được nghèo, trở thành hộ khá của bản làng, mua được tivi, xe máy mới. “Hồi mới về định cư ở bản A Rem, mình chỉ biết sống dựa vào rừng, đi săn muông thú. Từ khi được vay vốn ưu đãi và Trưởng bản động viên, mình đã biết cách trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống”, ông Đinh Trắp tâm sự.

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, cho biết: “Cán bộ NHCSXH huyện thường xuyên vào bản làng, theo sát đồng bào A Rem, phối hợp chặt chẽ với cán bộ hội, đoàn thể để giải quyết cho dân vay vốn nhanh chóng, thuận lợi, và “cầm tay chỉ việc” cho dân hiểu, để dân làm theo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.

Giúp dân làm giàu

Nguồn vốn chính sách ở huyện biên giới Bố Trạch không chỉ đúng đối tượng thụ hưởng mà còn kịp thời đến những nhu cầu cấp thiết của người dân nghèo.

Đơn cử mấy năm trước, do bị bão lũ và sự cố ô nhiễm môi trường biển, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của địa phương cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng NHCSXH không vì thế mà hạn chế cung ứng tín dụng, mà ngược lại, còn tập trung ưu tiên nguồn vốn từ thu hồi nợ cũ cùng với nguồn vốn mới bổ sung, tiến hành giải ngân nhanh chóng, tiện lợi để người dân khôi phục sản xuất, chuyển đổi ngành nghề.

“Từ việc rà soát, xác định chính xác đề nghị xử lý nợ rủi ro có tính đến phương án giãn nợ, khoanh nợ cho hộ nghèo đến việc tiếp cận, tạo lập nguồn vốn bổ sung, NHCSXH đã chủ động phối hợp cùng các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh triển khai cho vay hộ nghèo và nhà ở phòng tránh bão lũ và cho vay giải quyết việc làm, giúp ngư dân chuyển đổi ngành nghề, mua sắm ngư lưới cụ vươn khơi đánh bắt hải sản”, đại diện NHCSXH huyện Bố Trạch cho biết.

Từ khi thành lập, NHCSXH huyện Bố Trạch luôn tập trung, ưu tiên vốn cho đồng bào vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, giảm nghèo, nay đang hướng tới mục tiêu rộng lớn hơn là nâng cao đời sống nhân dân, vươn lên làm giàu chính đáng. Đạt được mục tiêu ấy, huyện Bố Trạch thực sự nổi danh là vùng quê địa danh, địa lợi, NHCSXH đã ghi dấu ấn trên con đường giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tác giả: Đông Dư - Hà Giang

Nguồn tin: Báo Kinh Tế Nông Thôn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP