Biển “lấn” sát làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. |
Mất đất, mất cảnh quan
Mưa lớn bất ngờ, bão và áp thấp nhiệt đới có diễn biến thất thường, lốc xoáy, nắng nóng gay gắt kéo dài, mùa đông giá buốt là các hình thái thời tiết bất thường xảy ra quanh năm tại vùng ven biển Quảng Bình.
Khu vực dọc theo bờ biển và các nhánh sông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão với tốc độ gió >30m/s, làm xói lở bờ rất nghiêm trọng. Triều cường dâng cao, kéo theo hiện tượng “biến lấn”.
Trường hợp xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch có diện tích khoảng 1,53 km², với hơn 2.000 hộ dân sinh sống. Người dân Cảnh Dương vốn đã quen ở nơi đầu sóng, ngọn gió bấy lâu. Trong những tháng nửa cuối năm, khi thời tiết bất thường, giông gió ầm ầm kéo đến, sóng biển cùng với bão tố tiến thẳng vào bờ: con người thực sự nhỏ bé và mỏng manh. Tình trạng nước biển xâm thực, sạt lở bờ biển, gãy đổ công trình xảy ra hàng năm.
Ông Phạm Đình Tiến - Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Vì không có kinh phí nên việc xây dựng tuyến đê biển rất khó, nhưng UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý trích ngân sách để làm kè chắn sóng với kinh phí 9 tỉ đồng, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2018. Với kè chắn sóng này sẽ hạn chế được tình biển xâm thực, đỡ thiệt hại và lo lắng cho nhân dân.
Hay biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) được đánh giá là 1 trong 10 bãi biển du lịch đẹp nhất Việt Nam, từng đi vào thơ ca và lịch sử. Hiện biển này cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nơi bị sạt lở nặng nhất là tại khu vực tại bãi tắm Nhật Lệ 2, cung sạt lở chạy dài khoảng 400m. Hàng quán, nhà dân dọc bãi có nguy cơ bị biển “nuốt trọn”. Năm 1985 cũng bị một lần tương tự.
Ông Phạm Xuân Khánh, cư dân vùng sạt lở chia sẻ rằng: Đã lâu lắm rồi, mới thấy tình trạng sạt lở bờ biển bãi Nhật Lệ nặng nề như hiện nay. Khu vực dọc bờ biển 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy nạn cát bay diễn ra thường xuyên hơn, hình thành ngày càng nhiều các đụn cát gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, qua tổng hợp thiệt hại về đê, kè trên địa bàn tỉnh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình cho thấy: Bão số 10, ngày 15/9/2017 có cường độ vượt tần suất thiết kế của tất cả các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đã làm nhiều tuyến đê đã bị hư hỏng nặng nề, kể cả những tuyến vừa được nâng cấp, xây dựng trong thời gian gần đây; đê hư hại 8.100m, kè hư hại 2.770m, cống trên đê hư hỏng 8 cái, kè bao hư hại 15.000m.
Công trình dân sinh, hàng quán gãy đổ vùng ven biển Nhật Lệ, TP. Đồng Hới |
Đầu tư kém hiệu quả, thiếu tiên lượng
Từ các cuộc kiểm tra hiện trường điểm sạt lở công trình biển, ông Nguyễn Thành Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình cho rằng: Việc nhiều tuyến kè biển, bờ biển bị sạt lở gần đây tại địa phương nguyên nhân cơ bản do sóng bão và gió biển vượt quá tần suất, thiết kế của công trình chỉ chịu được bão cấp 9. Khi gặp cơn bão vượt cấp, gió giật mạnh sẽ tác động lớn đến sự ổn định của kè mái bằng các tấm bản bê tông. Mặt khác, do tác động của các dòng hải lưu gây sụt lún phần chân kè. Bờ biển Quảng Bình ngắn, dốc, dòng chảy tập trung, lũ rất cao kết hợp với sóng bão khi lượng nước từ cửa sông dồn ra, sẽ tạo ra áp lực phá vỡ thiết kế công trình.
Đê biển Quảng Bình theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có tổng chiều dài 154km, trong đó có 11km đê trực diện với biển còn lại hầu hết là đê vùng cửa sông. Tiêu chuẩn thiết kế hệ thống đê biển có thể chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường 5%, lũ 10%. Vì chưa tiên lượng tình hình biến đổi khí hậu nên giờ không chống chịu được gió bão và sóng biển.
Sau hơn 11 năm thực hiện mới chỉ nâng cấp, sữa chữa các đoạn tuyến với tổng chiều dài 18,9km (chiếm khoảng 12% so với kế hoạch) trong khi nguồn ngân sách tỉnh rất hạn hẹp, chỉ đủ thực hiện các sữa chữa nhỏ mà mang tính khẩn cấp hoặc tạm thời. Do nguồn vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình chưa được đáp ứng theo kế hoạch, nên chỉ mới tập trung xây dựng được một số đoạn đê xung yếu, còn nhiều đoạn đê, tuyến đê khác chưa được củng cố nâng cấp, nhất là hệ thống cống, tràn cần được đầu tư để thoát lũ, ngăn mặn.
Đầu tư kém hiệu quả, công trình biển mất tác dụng |
Giải pháp cứu vãn
Quảng Bình hiện có 2.526 ha lúa bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Diện tích này khó sản xuất được vụ Đông Xuân nếu không đủ lượng nước để thực hiện thau chua, rửa mặn.
Giải pháp công trình như kè mỏ hàn, kè chữ T để tạo bồi, nuôi bãi, ngăn mặn đã được tính đến để tạo tính ổn định cho vùng ven biển nơi đây.
“Trước mắt để sửa chữa hệ thống đê điều ở địa phương cần được Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng; riêng trường hợp bãi Nhật Lệ để “cứu chữa” thì kinh phí khá lớn và cũng khá khó để hoàn trả cảnh quan như xưa. Bởi đất này người dân đã thuê để kinh doanh, một diện tích phi lao chắn cát đã bị phá. Giải pháp công trình kè tạo bãi cần được tính đến.
Còn về tổng quan, hệ thống đê kè biển ở Quảng Bình cần được ngành chủ quản nâng cấp tiêu chuẩn thiết kế lên cấp cao hơn, chống đỡ được bão lớn. Chứ kinh phí hàng năm sửa chữa quá lớn, nội lực địa phương không đáp ứng được”, ông Nguyễn Thành Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Bình đưa ra quan điểm.
Tác giả: Nhất Linh
Nguồn tin: Báo Xây dựng