Giáo dục

"Tiếng Anh: Dạy ngữ pháp nhiều không hẳn là xấu"

Bàn về chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện nay, PGS-TS Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho rằng, phương pháp dạy tiếng Anh nặng về ngữ pháp mà hiện nay nhiều trường vẫn đang làm không hẳn là xấu, mà vẫn có những giá trị và hiệu quả nhất định.


20160926092717 hocsinh1
Học sinh Trường Tiểu học Việt Nam - Cuba trong lễ khai giảng năm học 2016-2017. Ảnh: Nguyễn Thảo

- Theo ông nên xác định trọng tâm là gì trong việc dạy ngoại ngữ nói chung hiện nay?

Dạy ngoại ngữ cho bậc phổ thông, việc đầu tiên là phải quan tâm đến giáo viên. Ngoài chương trình, chuyên môn giảng dạy, sách giáo khoa, thì người giáo viên trong lớp cực kỳ quan trọng. Bởi vì khi ra khỏi lớp học, học trò lại trở về với môi trường tiếng Việt, Ở trong lớp, người giáo viên là một phương tiện, là một nguồn tốt nhất để học trò có thể học được.

Giáo viên tôi đang nói ở đây là chưa phân tầng. Giáo viên dạy ngoại ngữ ở cấp 1 rất khác so với cấp 2 và lại rất khác so với cấp 3.

Tiếng Anh đã trải qua một giai đoạn dùng những người tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh chuyên dạy cho người lớn lại đi xuống dạy cấp 1.

Có một số tỉnh giáo viên cấp 1 không có nên họ lấy giáo viên từ cấp 2, cấp 3 xuống. Và những giáo viên đó mang toàn bộ phương pháp dạy cho người lớn xuống dạy cho trẻ em và dẫn đến không thành công.

- Theo ông có nên thay đổi phương pháp học tiếng Anh truyền thống của ta là nặng về học ngữ pháp, không tập trung phát triển kỹ năng nghe, nói?

Theo tôi, bản thân phương pháp dạy ngữ pháp và từ vựng nhiều không hẳn là xấu. Nó vẫn có giá trị và hiệu quả nhất định.

Trong suốt những năm vừa qua tôi thấy giáo viên được đi tham gia các chương trình đào tạo của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 thì họ đã đều được trang bị các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, giáo viên chỉ có thể thay đổi hoặc áp dụng phương pháp mới khi mà mọi thứ đồng bộ với nhau.

Ví dụ, tôi thực hiện phương pháp tập trung vào giao tiếp, ưu tiên cho nghe nói nhiều hơn, nhưng thực tế chương trình thì lại quy định khác, thậm chí đề thi vẫn là đọc, viết, ngữ pháp thì giáo viên có làm mấy cũng không thể thay đổi được. Theo tôi là phải “cùng tiến công” thì mới có thể đi đến điểm chung.

- Ông có góp ý gì để chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Để việc dạy và học tiếng Anh có hiệu quả thì phải khắc phục chính những cái lỗi mà mình đã nhìn ra.

Đầu tiên, tôi cho rằng số giờ mà các học viên được học vẫn ít so với nhu cầu.

Ví dụ, tôi lấy một thông số trong hệ thống đánh giá IELTS quốc tế, người ta có một khuyến cáo là muốn tăng một bậc năng lực thì phải cần đến 250 tiếng đồng hồ, và phải học liên tục. Bây giờ thử so sánh con số đó với thực trạng trong nước để xem số giờ dành cho một bậc năng lực như vậy đã đủ chưa.

Ví dụ ở các trường không chuyên dạy cho đại học, số giờ chỉ rất hữu hạn, trong khi đó yêu cầu đầu ra là phải đạt được B1. Vậy thì quỹ thời gian đó không đủ.

Nhưng đó là một thực tế mình phải chấp nhận vì họ còn dành thời gian để làm những việc khác. Vậy thì mình phải nghĩ đến những cách thức hay công cụ để hỗ trợ cho những học viên này, để vẫn quỹ thời gian như vậy người ta có thể tối ưu hoá việc tiếp thu để đạt được bậc năng lực kỳ vọng. Tôi nghĩ rằng các phương tiện về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể hỗ trợ được. Những phương pháp học mới hoàn toàn có thể có vai trò trong hoàn cảnh này.

Trong phương pháp sư phạm ngoại ngữ, người ta chia ra rất nhiều chiến lược học tập khác nhau, thậm chí còn phù hợp với từng đối tượng khác nhau.

Ví dụ tôi là người học khoa học xã hội nhân văn thì tôi lại thấy các phương pháp xã hội học nào đó phù hợp, nhưng với những người theo ngành công nghệ người ta lại thấy phương pháp khác phù hợp hơn. Nhiệm vụ của người giáo viên là phải giới thiệu chiến lược học tập cho từng đối tượng đó.

Trước khi đưa một ngoại ngữ nào vào giảng dạy thì cần phải thấy nhu cầu thực. Muốn biết có nhu cầu thực hay không thì phải xem nhu cầu cụ thể ở nơi mình định triển khai. Giáo dục phổ thông thì mình cũng có nhiều cách để xem khu vực đấy dùng gì, học tiếng nào là phù hợp. Ví dụ như khu vực Quảng Ninh chẳng hạn – một trong những tỉnh giáp biên giới Trung Quốc thì nhu cầu sử dụng tiếng Trung sẽ cao hơn các thứ tiếng khác - PGS.TS Nguyễn Văn Trào nhận định.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP