Cuộc sống

Tiền bị mối ăn, mẹ nghèo khóc ròng vì mất Tết

“Trước Tết nhà tôi lợp lại mái tranh, cũng là lúc mẹ tôi lấy số tiền tiết kiệm từ đây xuống. Vậy mà, bà bàng hoàng phát hiện toàn bộ tiền bị mối ăn. Năm đó nhà tôi mất Tết…”, nhà văn Lê Tự chia sẻ.

“Người Việt xưa gọi Tết là là “ăn Tết” bởi ngày xưa đói khổ người ta chẳng thể nghĩ đến việc chơi Tết. Người ta chỉ mong đến ngày đó để được miếng bánh chưng, miếng thịt mỡ, miếng giò… Dường như cái Tết chỉ gói gọn trong miếng ăn, manh áo mới”, nhà văn Lê Tự kể về Tết xưa.

Ông chia sẻ tiếp: “Ngày đó nghèo đến mức việc lo đủ gạo nếp để gói nồi bánh chưng cũng là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình”. Ông kể, mùa gặt trước Tết mọi người háo hức ra đồng. Thời còn mô hình hoạt động hợp tác xã (HTX) thì người dân cùng gieo mạ, cùng gặt hái, cùng thu hoạch tập thể. Sau đó, sản phẩm sẽ được phân chia theo đầu người.

Ngày mùa cũng là lúc trẻ con chăm chỉ theo mẹ đi gặt để nhặt nhạnh lúa rơi vãi trên đồng. Các mẹ mải miết gặt trước, lũ con chạy lon ton theo sau. Thi thoảng, các mẹ lại cố làm rơi những bông to, bông mẩy để con mình chạy sau nhặt mang về nhà làm phần riêng.



Nhà văn Lê Tự (ở giữa, mặc comple) chụp ảnh cùng bạn ở ngoại ô Kiev, Ukraina, mùa hè 1983. Ảnh NVCC

“Ngày mùa dù đói, dù no thì nhà nào nhà nấy cũng đều để dành ít gạo nếp để cuối năm gói nồi bánh chưng. Tết thiếu bánh chưng coi như mất hẳn vị Tết”, ông nói thêm.

Chuyện quần áo Tết cũng là một vấn đề nan giải với gia đình đông con. Ông chia sẻ: “Nhà tôi có 7 anh em nhưng không phải Tết nào tất cả cũng có quần áo mới để mặc”.

Ông cho rằng, ngày xưa nhiều gia đình không đến mức nghèo để cả năm không may nổi cho con manh áo mới mà do họ có tâm lý tiết kiệm, không dám ăn, dám mặc. Mẹ ông cũng là mẫu phụ nữ như vậy. Bà nuôi được con gà, trồng được luống rau trong vườn… đều nhặt nhạnh mang ra chợ bán, sau đó cầm những đồng tiền ấy về một cách sung sướng.

“Bán được tiền chúng tôi chẳng hi vọng bà mua cho cân gạo, miếng thịt, cái bánh… ăn cho đã mồm. Những đồng đấy bà không tiêu bao giờ. Bà cẩn thận mang về nhà, nhón chân cất lên mái tranh. Đây là chỗ cất tiền bí mật của mẹ chẳng ai trong nhà tôi được biết”, ông nói.

Ông kể tiếp, vì “quỹ tiết kiệm” ấy mà những năm tháng tuổi thơ của ông rất khốn khổ. 7 anh em chưa bao giờ được một bữa no. Nhà ông mỗi năm chỉ được mổ gà 2 lần là vào ngày giỗ cụ và Tết. Còn các ngày thường những con gà béo tốt trong chuồng đều theo nhau ra chợ dù anh em nhà ông ai nấy đều gầy trơ xương.

Năm đó, gần Tết, cuối vườn nhà ông có buồng chuối quả vừa to vừa đều. Mẹ ông cũng vô cùng chăm chút để gần Tết cắt ra chợ bán, mặc cho các con “thèm nhỏ dãi”.

Cuối cùng, mấy anh em ông bàn bạc. Nửa đêm thằng lớn, thằng bé lẻn ra vườn bẻ chuối. Những cậu bé ấy cứ nhè mỗi nải bẻ 1 quả. Sáng mai ra nhìn thấy buồng chuối nham nhở, mẹ ông kêu trời. Cuối cùng, buồng chuối ấy không thể bán cho ai. Anh em ông được mang buồng chuối ấy xuống để ăn một trận đã đời.

“Chuyện đó là bí mật của anh em tôi. Đến bây giờ mẹ tôi vẫn không biết chúng tôi đã phá buồng chuối ấy của bà. Cũng có thể bà biết nhưng nhìn đàn con mắt sáng rực khi mẹ thông báo không bán chuối nữa chắc bà đã chạnh lòng. Tôi biết những năm tháng ấy, mẹ tôi cũng chẳng sung sướng gì”, nhà văn xúc động nói.

Ông kể thêm: “Vậy mà cuối cùng “quỹ tiết kiệm” của bà cũng tan thành mây khói. Đó là lần gia đình tôi lợp lại mái tranh để chuẩn bị đón Tết. Ngày xưa chẳng có ngói, tôn như giờ, hầu như nhà nào cũng lợp tranh. Mái tranh nhanh hỏng, cứ 3 năm phải đảo lại một lần. Lúc lợp lại mái, tháo tranh ra thì mẹ tôi cũng hoan hỉ chờ lấy tiền ở chỗ mà bà hay để xuống.

Nhưng hỡi ôi, khi gỡ ra, số tiền bị mối mọt ăn đến hỏng, không còn tờ nào nguyên vẹn”.


Hà Nội những năm 1980: Chợ đào, quất ngày giáp Tết. Ảnh: Michel Blanchard


Ông tiếp tục: “Tôi vẫn nhớ ánh mặt của mẹ tôi lúc đó. Nó là sự bàng hoàng, ngơ ngác đến thống khổ vô cùng. Nhìn số tiền mồ hôi nước mắt bao năm bị hư hỏng, mẹ tôi òa khóc. Cả ngày hôm đó bà vật vã không ăn uống gì.

Bà nói trong nước mắt: “Số tiền đó mẹ tích góp để sau này chúng mày lớn, đứa dựng vợ đứa gả chồng thì mẹ cho chúng mày. Năm nay mẹ định lấy xuống một ít sắm thêm miếng giò, miếng bánh cho chúng mày ăn Tết. Vậy mà…”. Thế là năm đó, nhà tôi cũng mất luôn Tết”.

Tết ngày xưa trong mắt nhà văn nghèo nhưng vui. Ngoài chuyện ăn uống, đời sống tinh thần của Tết xưa khá đơn giản.

Không có ti vi, điện thoại… như bây giờ, người dân thường tập trung ở đình làng để thắp hương, hái lộc và chơi các trò chơi dân gian. Trò gây được tràng cười lớn nhất là bắt vịt dưới ao.

5, 6 con vịt được thả xuống ao. Khoảng chục thanh niên cởi trần, mặc quần đùi đầm mình xuống nước trong thời tiết lạnh dưới 10 độ C. Ai bắt con nào được mang về nhà con đấy. Ngày đó, ai bắt được vịt xem như có điềm may cho cả năm nên dân làng rất háo hức.

"Những trò vui ngày Tết như đập niêu đất, đánh đu, bắt vịt… nay chỉ còn là hoài niệm trong một số người thế hệ trước như chúng tôi", ông nói.

Tác giả bài viết: Ngọc Trang - Vũ Lụa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP