Kinh tế

Thực hư việc mua 'đất vàng' giá thấp rồi bán cao ngất ngưởng

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Sơn phản ánh ý kiến cử tri Đà Nẵng về việc những lô "đất vàng" được định giá với giá trị thấp sau đó được bán ra với giá cao mà không rõ nguyên nhân.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, đề cập đến sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề liệu có tình trạng cố tình làm chậm tiến độ? Theo ông Sơn, tổng giá trị vốn thuộc sở hữu nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước hiện khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, kèm theo là "người nhà nước" tham gia quản lý khối tài sản này cũng không nhỏ.

“Đi cùng với nó là chế độ, quyền lợi, chính sách đối với họ. Phải chăng đây chính là lý do cản trở chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, một chủ trương lớn giải phóng nguồn vốn dành cho dầu tư phát triển trong tương lai”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Vị đại biểu này cũng phản ánh ý kiến của cử tri Đà Nẵng cho rằng, có hay không sự thao túng của nhóm lợi ích trong cổ phần hóa?

Ông Sơn cũng nói rằng, việc một số người có chức có quyền trong doanh nghiệp Nhà nước và người thân của họ lợi dụng việc nắm bắt thông tin thao túng quá trình cổ phần hóa, chuyện những lô đất vàng được định giá với giá trị thấp nhưng sau đó được bán ra với giá cao ngất ngưởng mà không thể tìm ra được bất cứ lý do nào dẫn đến sự tác động làm cho đột biến tăng giá như vậy.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn nói về vụ mua ''đất vàng'' giá thấp rồi bán giá cao. Ảnh: Tiền phong

“Đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề trên, giúp người dân yên tâm”, ông Sơn kiến nghị.

Trước đó, báo An ninh thủ đô đưa tin, Bộ Tài chính đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý cho thanh tra những trường hợp đất ở vị trí đắc địa của doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, sau đó chuyển sang làm căn hộ, khu trung tâm thương mại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Tài chính chuyển danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất cho Thanh tra Chính phủ phục vụ công tác thanh tra về việc quản lý đất đai.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau khi Tổng cục Thuế rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn từ ngày 1/7/2014 đến 30/11/2016, có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Qua rà soát, Bộ Tài chính nhận thấy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước đang được Nhà nước cho thuê đất ở những vị trí có giá trị thương mại ở trung tâm thành phố, tuy nhiên việc xác định giá trị doanh nghiệp trong thời kỳ chế độ quy định không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, nhưng không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.

Cùng với đó, việc thực hiện sắp xếp lại cơ sở nhà, đất (theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) được UBND tỉnh, thành phố cho chuyển đổi mục đích bán nhưng không thực hiện đấu giá theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường. Đồng thời, việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định. UBND tỉnh, thành phố phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh, thành phố và không báo cáo HĐND tỉnh, thành phố kỳ họp gần nhất.

Trên cơ sở đó, để chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài chính đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2017 đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, nếu Nhà nước kiên quyết thu hồi các khu đất dôi dư này của toàn bộ khối doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước sẽ tạo ra được quỹ đất hậu cổ phần hóa khổng lồ. Khi đó, Nhà nước sẽ tổ chức đấu giá, tạo ra công năng mới để phát huy tối đa nguồn lực đất đai này.

Và việc gì cũng phải sòng phẳng. Với những khu đất vàng đã “lỡ” trao cho nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa trước đây thì sao?

Nếu doanh nghiệp cổ phần hóa không sử dụng đúng mục đích so với hồ sơ ban đầu thì mỗi năm phải điều chỉnh lại theo giá trị trường.

Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ thiết lập một loại thuế hoặc khoản phí để điều tiết và cũng xem như là phạt, do sử dụng đất sai mục đích ban đầu.

Các giải pháp xử lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa cần phải tuân thủ nguyên tắc tối hậu là tài sản của Nhà nước thì phải trả về cho Nhà nước.

Tác giả: Uyên Triệu

Nguồn tin: VietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP