Tàu biển nước ngoài vào vùng vịnh Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) từ nhiều năm trước đây - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN |
Sáng 28-3, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Kinh tế biển là nền tảng
Khu kinh tế Vân Phong có quy mô khoảng 150.000ha, gồm diện tích mặt nước (khoảng 79.178ha), phần đất liền và đảo (70.822ha).
Ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên 12 xã, thị trấn của huyện Vạn Ninh và 6 xã, 3 phường của thị xã Ninh Hòa hiện nay.
Theo phê duyệt, Khu kinh tế Vân Phong có tính chất "là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước".
Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác…
Khu kinh tế Vân Phong được định hướng phát triển theo hai khu vực:
- Quy hoạch xây dựng cả hai cảng trung chuyển container quốc tế tại hai khu vực Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) và Nam Vân Phong (khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa), và đều sẽ thực hiện từ sau năm 2030.
- Quy hoạch khu vực dự trữ phát triển Cảng hàng không Vân Phong, tại xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh) quy mô khoảng 500ha, để thực hiện đầu tư xây dựng vào giai đoạn sau năm 2030.
Hai cảng Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong
Về lộ trình thực hiện quy hoạch, việc phát triển cảng biển trung chuyển quốc tế (cỡ tàu đến 24.000 TEU = 250.000 tấn) tại khu bến Bắc Vân Phong sẽ thực hiện vào giai đoạn sau năm 2030 và "khi có điều kiện".
Giai đoạn trước mắt (đến năm 2030) tại khu bến này chỉ sẽ phát triển cảng hành khách quốc tế (tại Đầm Môn), tiếp nhận tàu khách 225.000 GT và duy trì bến tổng hợp (42ha) đang hoạt động.
Ở khu vực bến Nam Vân Phong, trong giai đoạn trước mắt (đến năm 2030) sẽ xây dựng cảng biển phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Vân Phong và tiếp chuyển hàng lỏng, khí (cỡ tàu đến 150.000 tấn) và các tàu chở hàng rời (đến 300.000 tấn).
Trong quy hoạch trên cũng quy định phải bố trí quỹ đất xây dựng tuyến đường sắt chạy dọc tuyến quốc lộ 26B (từ quốc lộ 1 xuống các khu vực cảng biển Nam Vân Phong, Nhà máy tàu biển Hyundai Vinasshin…).
Đồng thời, sẽ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị kết nối từ Cảng hàng không Vân Phong với trung tâm du lịch biển tại Đầm Môn; quy hoạch các tuyến metro từ cảng hàng không đến Đầm Môn và đến trung tâm thị xã Ninh Hòa.
Ngoài quy hoạch nhiều khu du lịch, khu dân cư mới, theo quy hoạch điều chỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu trên, đối với khu vực dân cư nông thôn sẽ di dời khu vực dân cư nông thôn có điều kiện phát triển khó khăn hoặc không đảm bảo về môi trường.
Tại các khu dân cư nông thôn hiện hữu thì thực hiện tôn tạo, chỉnh trang. Còn tại các đảo Hòn Lớn, Điệp Sơn và núi Khải Lương thì không hình thành đất đơn vị ở.
Việc điều chỉnh thay đổi phải đánh giá tác động Thủ tướng Chính phủ đã quy định trách nhiệm thực hiện quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong (số 298/QĐ-TTg ngày 27-3-2023). Trong đó, có quy định "Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật nếu xảy ra xung đột, tranh chấp". Đồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch "phải kế thừa quy hoạch trước đây, việc điều chỉnh thay đổi phải đánh giá tác động". Thủ tướng Chính phủ còn quy định, khi triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và các quy hoạch nông thôn phải phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đã được phê duyệt theo đúng các quy định pháp luật. |
Tác giả: PHAN SÔNG NGÂN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ