Trong nước

Thủ tướng: Một số cán bộ còn để tai tiếng vì tham nhũng, lợi ích nhóm

Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ Chính phủ với các địa phương 6 tháng đầu năm, Thủ tướng nhấn mạnh một bộ phận cán bộ còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm.

Thủ tướng nêu vai trò quan trọng của phiên họp lần này vì phiên họp đánh giá tương đối chính xác tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2017. Đây cũng là dịp đặc biệt khi Chính phủ đưa các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ năm 2017.

Các chỉ số sức khỏe của nền kinh tế chuyển biến tốt

Theo người đứng đầu Chính phủ, cả nước đã đi được nửa chặng đường trong việc thực hiện các nhiệm vụ của năm 2017. Theo đó, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc... tích cực chỉ đạo thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh.

“6 tháng đầu năm chúng ta gặp thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Doanh nghiệp, người dân phấn khởi làm ăn kinh doanh khởi nghiệp. Xu hướng kinh doanh đã tốt hơn. Các chỉ số cơ bản của nền kinh tế cũng đều tốt. Cũng giống như các chỉ số sức khỏe như huyết áp, mỡ máu, mỡ gan đều là chỉ số tốt, chuyển biến tốt”, Thủ tướng ví von.

Thủ tướng cũng thông báo 6 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều chỉ số vui hơn, so với 6 tháng đầu năm ngoái. Theo đó tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp. Tăng trưởng quý I đạt 5,15%, quý II đạt 6,17%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP.

Thủ tướng đánh giá nông nghiệp và dịch vụ là 2 điểm sáng với bước phục hồi tăng trưởng mạnh. Tăng trưởng du lịch đạt khoảng 30%. Việt Nam là một trong 12 nước có mức tăng trưởng du lịch cao nhất trên thế giới.

Chỉ số tăng trưởng tín dụng tăng mạnh. Chứng khoán cũng tăng cao nhất trong 9 năm gần đây. Giá trị xuất khẩu tăng 16,9%. Thu ngân sách tăng. Vốn FDI đạt khoảng 19 tỷ USD. Cả nước đã có khoảng 61.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Đổi mới hơn nữa, cải cách hơn nữa

Điểm lại các chỉ số kinh tế, Thủ tướng ghi nhận kết quả 6 tháng đầu năm "là khả quan trên các mặt". Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nếu các khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.

Thứ nhất, ngành nông nghiệp có tăng trưởng nhưng đang đối mặt với việc tiêu thụ một lượng lớn nông sản, gia súc, gia cầm, trong đó giá bán còn thấp.

Thứ hai, tăng trưởng công nghiệp còn thấp hơn các giai đoạn trước. Riêng khai thác dầu khí giảm trên 11%.

Tình hình sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng còn khó khăn, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường vẫn còn nhiều. Chi phí sản xuất còn cao, nhất là chi phí vận tải, hậu cần… Tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao. Công tác cổ phần hóa DNNN, thoái vốn cũng chậm.

Nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn xã hội còn nhiều phức tạp. Xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, nạn phá rừng, khai thác khoáng sản, sạt lở bờ sông ven biển nghiêm trọng, xảy ra nhiều vụ an toàn giao thông, tình trạng khai thác cát tặc còn nhiều…

Song song với đó, một số cơ quan, địa phương thực hiện triển khai các nhiệm vụ còn cầm chừng. Một bộ phận cán bộ còn để xảy ra tai tiếng do tham nhũng và lợi ích nhóm.

Tình hình cải cách hành chính còn chậm gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cải cách mạnh mẽ hơn, có biện pháp huy động nguồn lực xây dựng đổi mới đất nước.

Ông nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. "Đây là nhiệm vụ không phải dễ dàng, đặc biệt đang đứng trước mùa mưa lũ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông cũng chỉ rõ, mục tiêu cao nhưng là có cơ sở, có căn cứ để thực hiện. Cụ thể, các ngành, các lĩnh vực đang phục hồi mạnh. Xu hướng phục hồi tăng trưởng trong nước và quốc tế cũng có diễn biến tốt.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị cần nỗ lực hơn nữa, đổi mới hơn nữa, cải cách hơn nữa. Đặc biệt là các vùng kinh tế lớn, các thành phố lớn, trọng điểm của cả nước, các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng vững mạnh hơn, cải cách mạnh mẽ hơn thủ tục hành chính. Đồng thời, cũng cần quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, bức xúc, trật tự an toàn xã hội.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP