Giải trí

Thu Phương: ‘Tôi không thích anh Dũng bênh mình trên mạng’

Giọng ca "Chưa bao giờ" cho biết chị từng nhận cát-xê 1.000, 4.000 rồi đến 200 nghìn đồng trước khi trở thành một ca sĩ có vị trí trong âm nhạc.

Thu Phương trò chuyện với Zing.vn nhân dịp về Việt Nam chuẩn bị cho đêm nhạc kỷ niệm 30 năm theo đuổi nghệ thuật tại Nhà hát Tuổi trẻ. Nữ ca sĩ trải lòng trước mọi câu hỏi, từ quá khứ đến hiện tại, từ nghệ thuật đến đời sống thường ngày.

Không ít khoảnh khắc trong cuộc phỏng vấn, người viết phải đưa khăn giấy cho Thu Phương lau nước mắt. Giọng ca mùa thu cho biết chị khó kìm được lòng mình khi nhớ về chuỗi ngày cơ hàn và những tháng năm gian khó với nghề.

Thu Phương nhiều lần rơi nước mắt trong cuộc trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Quang Đức.

"Tôi có lý do chính đáng để khóc"

- Trong khi những giọng ca khác chọn Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, thậm chí Trung tâm Hội nghị Quốc gia để làm live show, chị lại quyết định tổ chức đêm nhạc kỷ niệm 30 năm ca hát tại Nhà hát Tuổi trẻ, một sân khấu không lớn tại Hà Nội. Tại sao vậy?

- Khi tôi có ý định tổ chức chương trình đánh dấu 30 năm ca hát, nhiều người cũng động viên, giúp đỡ và sẵn sàng đứng ra để tôi làm ở những sân khấu lớn hơn. Nhưng tôi vẫn quyết định chọn Nhà hát Tuổi trẻ vì đây là nơi tôi đã chân ướt chân ráo từ quê nhà lên Hà Nội để theo đuổi âm nhạc từ năm 13 tuổi.

Tôi muốn đứng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ để tri ân thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè và những người đã cưu mang tôi trong những tháng ngày cơ hàn. Đúng như bạn nói, sân khấu nhà hát tương đối nhỏ nhưng mọi người tin đi, sẽ là một không gian âm nhạc cực kỳ ấm cúng và khác so với tưởng tượng.

- Chị chia sẻ những kỷ niệm gì khi nhớ về những năm tháng học tập và gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ?

- Kỷ niệm của tôi với Nhà hát Tuổi trẻ thì như vừa mới hôm qua, không thể nào quên được. Tôi nhớ, khi rời Hải Phòng lên Hà Nội, tôi chỉ cao có 1m39, da đen nhẻm, người còi cọc. Lúc bố dẫn tôi lên nhà hát theo giấy triệu tập, người tiếp nhận tôi hôm đó là cô Thuỷ - giáo viên dạy múa.

Trước khi về Hải Phòng, bố tôi có gửi cho cô một gói mì chính rồi nghẹn ngào dặn rằng: “Cháu bé quá, chúng tôi thương cháu lắm nhưng không biết làm thế nào, gia đình nghèo nên chỉ có thế này thôi, nhờ các thầy cô cưu mang cháu".

Tôi được nhà hát phân cho một phòng rộng 6m2, có một cái giường đơn, một cái xô, một cái chạn và một cái vali rất bé. Hành trình bước vào cuộc đời của tôi bắt đầu như thế.

Ngoài thời gian đi học, tôi không biết làm điều gì khác ngoài khóc. Tôi cứ nhìn ra ban công cửa sổ, ngửi mùi hoa sữa và khóc vì cô đơn, vì nhớ nhà. Nhiều lần nửa đêm tôi lang thang ngoài đường, chốn vé tàu để về nhà, bố mẹ kho cho mấy con tôm, rồi sáng hôm sau lại tất tả lên đường (khóc).

- Ngồi trò chuyện với chị, tôi hiểu tại sao khi hát chị thường hay rơi nước mắt. Nhưng khán giả cũng có quyền cho rằng chị diễn kịch vì nức nở và khóc nhiều quá, chị nghĩ sao?

- Mỗi người có một suy nghĩ, mình không thể áp đặt cho ai được. Nhưng các bạn hãy đặt địa vị của mình vào hoàn cảnh của tôi, các bạn sẽ hiểu. Tôi có lý do chính đáng để khóc.

Không phải "ôn nghèo kể khổ" nhưng trời ơi, nhớ về những năm tháng khó khăn vật chất, thiếu thốn tình cảm hay những lần hết tiền, hết gạo phải bắt xe buýt đi ăn nhờ các anh chị đồng nghiệp, quên sao được.

Tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, hát trong nước rồi sang hải ngoại, từ hát không tiền đến mức cát-xê 1.000, 4.000 rồi 10.000, 200.000 đồng mới có được thân phận như ngày hôm nay. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi làm thế nào mà mình vượt qua được. Và tôi đã vượt qua.

Mọi người bảo có nhiều ca khúc, lần nào hát tôi cũng khóc. Nhưng thật ra có những ca khúc, tôi thậm chí còn không cất tiếng lên hát được vì quá xúc động. Đó là những giọt nước mắt chân thật.

Thu Phương dạo bước trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Quang Đức.

- Trải qua nhiều thăng trầm trong đời sống riêng tư cũng như nghệ thuật, chị thường đối diện với nỗi đau và sóng gió như thế nào?

- Tôi không sợ những điều đó vì biết mình chẳng làm gì khác được. Tôi chỉ biết hát, sống và rèn giũa bản thân từng ngày. Giống như khi tôi ngồi ghế nóng Giọng hát Việt cũng có biết bao câu chuyện xảy ra. Nhưng tôi không gục gã. Tôi cứ đi vì quan niệm càng "trầy da tróc vảy", càng đau đớn, tôi càng hát mãnh liệt và khát khao.

Buồn hay vui, thành công hay thất bại đều có giá trị riêng của nó. Chuyện gì xảy ra với mình tôi cũng chấp nhận hết. Ngay cả khi bị nhận xét tiêu cực, tôi cũng coi là nguyên cớ để mình vươn lên và tốt hơn.

"Tôi không thích anh Dũng Taylor bênh mình"

- Anh Dũng Taylor thường bênh vực chị trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khi vợ mình trở thành tâm điểm của dư luận. Quan điểm của chị thế nào?

- Tôi không thích nhưng tôn trọng vì đó là quyền của anh ấy. Nếu những lời phân tích đó đến từ khán giả thì mình rất trân quý vì đó là họ yêu mến mình.

Nhưng anh Dũng Taylor thì khác, anh ấy là chồng tôi, khi viết những điều đó lên mạng xã hội, người ta sẽ nghĩ ngay đến việc vợ chồng bênh nhau. Tôi không muốn vậy. Nếu thanh minh hay giãi bày gì, tôi sẽ tự mình lên tiếng.

- Khá nhiều lựa chọn của chị bị anh Dũng Taylor ngăn cản nhưng chị vẫn quyết tâm thực hiện. Tại sao vậy?

- Tôi thường muốn làm điều gì đó thay vì ngồi toan tính thiệt hơn. Quan trọng là mình đã làm được và quan trọng hơn là có sự trải nghiệm. Tất nhiên, tôi luôn cố gắng để làm điều trọn vẹn nhất. Nhưng nhiều khi ý tưởng bắt nguồn từ một linh cảm gì đó, mình phải làm ngay kẻo lỡ, dù có thể không nhiều người hiểu.

Thu Phương và chồng - Dũng Taylor. Ảnh: NVCC.

- Chị thấy anh Dũng Taylor đã thay đổi ra sao từ khi đến với chị?

- Tất nhiên là chúng tôi đều có những thay đổi để hòa hợp. Anh Dũng Taylor từng thề là không lập gia đình, rồi không lấy vợ là ca sĩ. Nhưng cuối cùng lại đến với tôi, một người không chỉ là ca sĩ mà còn có con riêng. Anh ấy vẫn tỏ tình với tôi mỗi ngày. Chúng tôi coi nhau như tình nhân.

- Chị thường xuyên bay về Việt Nam tham gia các hoạt động âm nhạc. Chị chăm sóc các con như thế nào?

- Lúc nào tôi cũng lo các con học gì, yêu đương ra sao. Tôi luôn dành thời gian bên con để có những sự góp ý chia sẻ kịp thời.

Nhưng tôi muốn các con tự giải quyết công việc và tâm sự của mình, điều mà bố mẹ tôi đã hướng cho tôi ngày trước. Tôi tự lập, tự kết hôn rồi lại tự ly hôn, bố mẹ cũng đều không can thiệp.

Tôi không phải là một bà mẹ nói nhiều. Các con cũng đều đã lớn, khi nào có thắc mắc cần gặp mẹ, tôi trả lời tất cả. Nhưng khi các con từ đâu về, lên phòng và đóng cửa lại, lúc đó tôi biết con mình chưa sẵn sàng chia sẻ và tôi cũng sẽ không gặng hỏi.

Tác giả bài viết: Quang Đức

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP