Giáo dục

“Thông tư 30 méo mó vì các cấp quản lý trung gian”

Qua quá trình thực hiện Thông tư 30 (TT30) đánh giá học sinh tiểu học, nhiều giáo viên cho rằng tinh thần nhân văn của Thông tư này bị bóp méo qua các cấp quản lý trung gian. Điều này khiến giáo viên rất vất vả và cảm thấy bị gò bó.

Trục trặc từ khâu trung gian

Trải nghiệm Thông tư 30 từ những ngày đầu đi vào triển khai, điều mà chị Cao Thị H (một giáo viên tiểu học ở Hà Nội) cảm nhận rõ nhất là sự dài dòng và nhàm chán trong việc đánh giá học sinh. Tuy nhiên, chị H vẫn phải cam chịu bởi đó là chỉ đạo từ cấp phòng giáo dục.

“Đa số đồng nghiệp của tôi đi tập huấn Thông tư 30 về đều chia sẻ rất hoang mang. Hai buổi nghe chuyên viên phòng giáo dục nói mà điều ấn tượng nhất trong đầu chúng tôi chỉ là nỗi sợ hãi khi phải ghi nhiều trong các cuốn sổ”, chị H kể.

20160824155557 tt30 danh gia hoc sinh tieu hoc
Nhiều giáo viên cho rằng tinh thần nhân văn của Thông tư 30 bị bóp méo qua các cấp quản lý trung gian. Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chị H cho rằng, không chỉ chị mà hầu hết các giáo viên không ngại khó, ngại khổ khi nhận xét học sinh, mà ức chế bởi làm việc trong trạng thái bị áp đặt. “Đáng lẽ các lãnh đạo ngành phải hiểu chuyện viết nhận xét được tất cả học sinh là phi thực tế trước nền giáo dục mà sĩ số học sinh mỗi lớp là quá đông. Giáo viên chấm điểm đã hết giờ huống hồ ghi nhận xét được hết học sinh”, chị H phàn nàn.

Chị nói thêm: “Bộ trưởng hãy thử “vi hành” thực sự mà không đánh động báo trước các cấp lãnh đạo Sở, phòng, trường thì sẽ hiểu giáo viên vất vả ra sao. Áp lực từ phụ huynh đã khổ sở, giáo viên còn chịu áp lực lớn hơn gấp bội từ phòng giáo dục và nhà trường”.

Từng 20 năm kinh nghiệm và nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thành phố, chị Vũ Thị Nhung (Nam Định) cho rằng TT30 gặp sự phản ứng của giáo viên một phần cũng bởi những bắt bẻ, áp đặt máy móc từ cấp phòng, sở.

Chị Nhung kể: “Tôi đã trực tiếp góp ý với lãnh đạo cấp trường nhưng thực tế là không ăn thua gì. May ra đến “tai” Bộ có biết được thì mới mong thay đổi được một chút. Tinh thần TT30 có rất nhiều mặt tích cực đặc biệt không gây áp lực cho học sinh, nhưng về tới phòng giáo dục thì bắt giáo viên ghi thế này thế khác, thậm chí áp đặt từng câu từng chữ”.

Chị Nhung chia sẻ: “Nói thật giờ dạy một lớp 50-60 học sinh mà bắt bẻ từng câu từng chữ, mỗi em một lời phê khác nhau thì chúng tôi không thể nghĩ ra được để tránh trùng lặp”.

Theo chị Nhung, để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT cần quán triệt, làm tư tưởng đến các khâu trung gian để giáo viên không bị ép.

“Cũng cần có khung cụ thể để thực hiện chứ nói chung chung rất dễ xảy ra chuyện mỗi cấp sẽ làm theo cách hiểu của mình mà Bộ cũng khó kiểm soát và giáo viên cũng không biết dựa vào cái gì để mà nói”, chị Nhung đề xuất.

Anh Đoàn Văn Hải, một giáo viên tiểu học ở Bình Phước chia sẻ: “Thực tế không phải giáo viên không biết tinh thần nhân văn của TT30 và quan điểm của Bộ. Nhưng có xuống thực tế với giáo viên một ngày mới thấy, TT30 nhân văn nhưng qua những khâu trung gian đã bị méo mó. Giáo viên vất vả quá đâm chán. Nói nhiều quá nhưng chả ai nghe, chúng tôi cũng chả buồn nói nữa”.

Anh Hải tính toán, việc viết nhận xét mỗi em mất từ 3-5 phút, chưa kể câu từ đầy đủ, viết gọn gàng sạch đẹp. “Điều này mất nhiều thời gian dạy học sinh trên lớp. Nhưng phòng chỉ đạo thì có giáo viên nào dám không tuân theo”, anh Hải ngậm ngùi.

Theo anh Hải, để xảy ra việc này một phần cũng do sự quản lý của Bộ chưa được sát sao.

Do đó, Bộ nên quy đinh khung về mức độ nhận xét vào vở như một tháng mấy lần hay tăng cường nhận xét bằng lời nói,...

“Bộ GD-ĐT nên có văn bản gửi về các cấp dưới, chứ giờ Bộ đứng trên chỉ đạo nhưng có đến được giáo viên đâu. Có như vậy giáo viên mới có cơ sở nào để mà kêu, và kêu có cơ sở thì mới mong được nghe”, anh Hải nói.

Đánh giá A-B-C-D bản chất vẫn là chấm điểm

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tới đây cách tiếp cận là không “cầm tay, chỉ việc” mà chỉ đưa ra khung chuẩn để đánh giá. Như vậy, vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục bậc tiểu học nhưng cũng mở ra cho thầy cô sự sáng tạo.

Về điều này, anh Hải băn khoăn: “Được sự sáng tạo nhưng các khâu trung gian có thả cho giáo viên sáng tạo không. Bộ vẫn nên có khung quy chuẩn tối thiểu nhất, từ đó, giáo viên lấy làm cơ sở để thực hiện. Chứ nếu thả nổi như hiện nay thì giáo viên vẫn phải răm rắp làm theo các văn bản chỉ đạo của phòng giáo dục”.

Chị Vũ Thị Nhung (Nam Định) cho rằng bản thân hoàn toàn đồng ý với hướng của Bộ GDĐT định hướng tới đây sẽ đánh giá học sinh theo A-B-C-D. Bởi theo chị, điều này có thể đánh giá được theo nhóm học sinh.

“Tuy nhiên, về bản chất sẽ quay về chấm điểm. Bởi rồi phụ huynh và học sinh sẽ tự ngầm hiểm và quy ước A là 9;10, B là 7;8,…”, chị Nhung phân tích.

Theo chị Nhung, dù sao việc này cũng tạo áp lực nhẹ nhàng hơn cho học sinh và phụ huynh so với chấm điểm, đặc biệt giảm áp lực cho giáo viên.

“Cũng chỉ nên áp dụng đánh giá theo tháng, quý hoặc học kỳ chứ theo ngày thì chẳng khác gì việc chấm điểm”.

Chị Nhung đề xuất, mỗi ngày sẽ chỉ nên nhận xét những em có biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực bất thường thay vì ngày nào cũng nhận xét hết tất cả học sinh theo kiểu chung chung.

“Thậm chí có học sinh chúng ta phải nhận xét liên tục nếu những ngày đó các con có những tín hiệu nổi trội. Đồng nghĩa phải chấp nhận chuyện có những học sinh không cần nhận xét mỗi ngày nếu duy trì phong độ”, chị Nhung nói.

Tác giả bài viết: Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP