Tóc rụng không chỉ là một hiện tượng đi liền với tuổi tác, mà còn do những thói quen thường ngày, từ việc ăn uống, chải tóc, gội đầu. Nếu bạn vẫn đang không hiểu mình bị bệnh gì mà tóc rụng nhiều thế, thì phải rà soát lại những vấn đề này.
1. Thuốc tránh thai
(Ảnh: medicalnewstoday)
Vì thuốc tránh thai làm thay đổi hormone của bạn, từ đó mà rụng tóc có thể là một triệu chứng tác dụng phụ. Thường thì hiện tượng tóc rụng do uống thuốc tránh thai chỉ là tạm thời, có thể chỉ rụng trong tháng đầu do cơ thể chưa quen, hoặc đến khi dừng uống thuốc tránh thai thì sẽ hết rụng tóc. Nhưng nếu trong gia đình bạn có người từng bị rụng tóc nhiều, thì hậu quả của việc rụng tóc do thuốc tránh thai có thể kéo dài vĩnh viễn.
2. Detox không đúng cách
(Ảnh: curiouslyconscious)
Những chế độ giảm cân cực đoan như nhịn ăn, chỉ uống nước ép hoa quả có thể gây ra rụng tóc. Bạn sẽ không bị rụng tóc vào thời gian đang detox, mà sẽ bắt đầu thấy tóc rụng khoảng 2-3 tháng sau đó. Khi bạn nhịn ăn, cơ thể sẽ bị thiếu dinh dưỡng, từ đó tóc sẽ bị yếu đi và rụng dần.
3. Lười gội đầu
(Ảnh: folica)
Đừng lấy lý do rằng gội đầu thường xuyên sẽ khiến da đầu bị khô hay kích ứng nhé. Nếu để da đầu và tóc quá bẩn, bã nhờn và bụi bẩn gây bít tắc trên nang tóc, gây ngứa, bong tróc, thì tóc cũng rất dễ rụng nhiều. Bạn không nhất thiết phải gội đầu hàng ngày, nhưng nên cố gắng gội đầu khoảng 2 lần mỗi tuần. Sau những ngày nắng nóng, đổ nhiều mồ hôi, nhất là sau khi tập thể dục, bạn nên gội đầu ngay.
4. Buộc tóc quá chặt
(Ảnh: stylenanda)
Nếu bạn buộc tóc hay búi tóc quá chặt, nang tóc sẽ chịu áp lực lớn, từ đó mà tóc rụng và gãy nhiều hơn. Nếu để ý, những người hay búi tóc quá chặt rất hay bị rụng tóc ở phần sát trán và mai, dần dần giống như bị “hói”. Buộc tóc quá chặt cũng có thể gây ảnh hưởng tới sự tuần hoàn của máu trên đầu, gây chóng mặt, khó thở.
5. Căng thẳng thần kinh
(Ảnh: dnafit)
Những vấn đề tâm lý dai dẳng, ví dụ như bị thất tình, hay lo sợ mất việc có thể khiến bạn rụng tóc rất nhiều. Khi bị căng thẳng, các cô gái cũng thường ăn uống không điều độ, cơ thể mất đi khả năng hấp thụ dinh dưỡng cần thiết, mái tóc cũng vì thế mà mất đi độ bồng bềnh.
6. Kinh nguyệt kéo dài
(Ảnh: vitacost)
Nếu kinh nguyệt kéo dài bất thường, cơ thể bạn có thể bị thiếu sắt. Với phụ nữ trong độ tuổi từ 25 tới 45, sắt là khoáng chất cần thiết để nuôi dưỡng mái tóc dài óng ả. Vì thế, sau mỗi kỳ kinh nguyệt, bạn nên ăn thêm thực phẩm giàu sắt hoặc uống viên sắt bổ sung.
7. Tạo kiểu khi tóc ướt
(Ảnh: thefabricofourlives)
Nếu khi tóc còn ướt mà bạn đã dùng máy là tóc hay máy làm xoăn, nang tóc sẽ bị “sôi”, khiến cho sợi tóc dễ bị giòn gãy, đồng thời da dầu dễ bị bong tróc, nấm ngứa. Bạn nên dùng máy sấy ở chế độ mát để làm khô tóc, sau đó mới tạo kiểu.
8. Hóa chất tạo kiểu
(Ảnh: hairsalonpalatine)
Một số loại thuốc uốn hoặc duỗi tóc cũng có thể khiến tóc bị gãy rụng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tóc rụng nhiều nhất. Bạn nên chọn những salon làm tóc uy tín để được tạo kiểu với thuốc chất lượng tốt, sử dụng đúng liều lượng, tránh xa hàng trôi nổi.
9. Uống thuốc tây
(Ảnh: doctoroz)
Một số loại thuốc tân dược, ví dụ như thuốc dạ dày có thể gây rụng tóc. Đây cũng có thể là phản ứng phụ do sự thay đổi hormone tùy vào cơ địa của mỗi người. Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, nếu thấy tóc rụng bất thường thì nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
10. Lạm dụng máy tạo kiểu
(Ảnh: renpure)
Khi sử dụng máy sấy, máy làm xoăn hay máy là tóc, nên chọn chế độ nhiệt thấp nhất. Hãy đầu tư thêm chai xịt dưỡng chuyên dụng để bảo vệ tóc trước khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, giảm nguy cơ tóc bị rụng. Nhìn chung, xu hướng hiện nay là các kiểu tóc tự nhiên, bạn chỉ cần gội, dùng khăn mềm lau sơ, rồi để tóc khô tự nhiên là đẹp nhất.
Tác giả bài viết: Eve Nguyễn