Kinh tế

Thoái trào của những ‘cổ phiếu vua’ một thời

Cách đây chưa lâu thị trường chứng khoán Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp xưng vương với giá cổ phiếu. Tuy nhiên đến nay không ít trong số này đã sa cơ và lặn ngụp dưới mệnh giá.

Mới đây cổ phiếu của doanh nghiệp “vua cá tra” Hùng Vương đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cảnh báo. Với thông tin này HVG đã lọt vào danh sách những “ông vua thoái vị” vì những bê bối tài chính gặp phải trong quá trình kinh doanh.

Điểm chung giữa các “ông vua” một thời chính là chính là vòng vây của việc vay nợ nhiều hơn khả năng của họ. Và khi thị trường biến động thì khoản nợ này trở thành mối nguy cực kỳ lớn lật đổ “ngai vàng” mà họ từng xưng vương.

Cú bẻ lái bất thành của Hoàng Anh Gia Lai

Mười năm về trước, Đoàn Nguyên Đức đã trở thành một hình mẫu mới ở Việt Nam và doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông cũng xưng hùng xưng bá ở nhiều lĩnh vực từ gỗ cho đến BĐS, nông nghiệp...

HAGL là đơn vị đầu tiên đoạn tuyệt với BĐS để chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp, nhưng pha “vào cua” này không ngọt như dự tính khiến cỗ máy này trật bánh và đối diện với những khoản nợ nguy hiểm.

caosu
Giá cao su lao dốc khởi đầu cho khủng hoảng tài chính của HAGL. Ảnh: HAGL

Hiện tại doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn để sắp xếp lại các khoản nợ với tổng trị giá lên tới 1,2 tỷ USD. Đây là hệ quả nặng nề bởi sự sụt giảm của thị trường bất động sản cũng như giá hàng hóa, nông sản mà HAGL đầu tư.

Tính đến thời điểm bùng phát nợ, HAGL có khối tài sản khổng lồ và được coi là thương hiệu tiên phong tiến quân ra các nước láng giềng trong lĩnh vực bất động sản và nông nghiệp. Nhưng thực tế lúc này cổ phiếu HAG chỉ có mức giá quanh 5.000-6.000 đồng do những rủi ro trong hoạt động kinh doanh và gánh nặng nợ quá lớn.

Bluechip một thời vẫn luôn được nhà đầu tư quan tâm theo dõi, thanh khoản luôn ở trong top đầu thị trường nhưng giá cổ phiếu vẫn đang ở dưới mệnh giá.

Với thời gian dài được đánh giá là cổ phiếu bluechip với mức giá cao đã đưa ông Đoàn Nguyên Đức nằm trong Top 3 người giàu nhất thị trường chứng khoán. Tuy nhiên chỉ 2 năm trở lại đây giá cổ phiếu đã sụt giảm nghiêm trọng khiến cho tài sản của ông “bốc hơi” hàng ngàn tỷ, bật khỏi Top 10 người giàu trên sàn chứng khoán.

Trong khi đó, tỷ lệ nghịch với giá cổ phiếu là các khoản nợ có dấu hiệu tăng lên, thậm chí để cân đói nợ doanh nghiệp này đã bán bớt tài sản cũng như phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Gỗ Trường Thành hụt phao cứu sinh

Xuất phát từ ngành gỗ như HAGL và cũng được mệnh danh là “vua gỗ” trong những năm 2000, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đang đối diện với bi kịch trong hoạt động kinh doanh của mình. Hiện tại không chỉ giá cổ phiếu lặn ngụp dưới mệnh giá mà hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Cơn khủng hoảng ập đến với TTF vào năm 2012 khi đầu tư ngoài ngành, chiến lược về sản phẩm không đúng đã khiến doanh nghiệp đầu ngành này gánh món nợ ngàn tỷ. Từ doanh nghiệp có doanh thu hàng năm khoảng 3.000 tỷ đồng đến khi chỉ còn vẻn vẹn lượng tiền mặt 2 tỷ đồng.

Tưởng như việc tham gia cơ cấu nợ sau đó của Vingroup sẽ đưa TTF thoát khỏi vũng lầy thì sự cố gian lận báo cáo tài chính đã khiến cho “chiếc phao cứu sinh” cuối cùng mất đi.

Sau sự cố đó, một loạt các sai lệch nghiêm trọng trong hàng tồn kho và khoản phải thu được nhóm cổ đông mới phát hiện. TTF phải gánh chịu khoản lỗ ròng hợp nhất lên đến 1.124 tỷ đồng trong quý II năm 2016 và phải ghi nhận lỗ lũy kế 1.082 tỷ đồng. Thêm khoản lỗ trong quý cuối khoảng 145 tỷ đồng, tính đến hết năm 2016, vốn chủ sở hữu của Gỗ Trường Thành ghi âm hơn 195 tỷ đồng.

Ngày 18/7/2016 là ngày tươi sáng cuối cùng của cổ phiếu TTF khi tăng lên 43.600 đồng. Sau loạt sự cố, mức giá lao dốc không phanh, xuống dao động quanh mức 5.000 đồng.

Đế chế thủy sản Hùng Vương sa lầy

Với hơn gần 10 cuộc thâu tóm trong vòng 5 năm, Thủy sản Hùng Vương thực hiện chiến lược tăng trưởng bằng M&A. Tính đến 30/06/2016, Hùng Vương có 12 công ty con và hơn chục công ty liên kết hoạt động chính trong các lĩnh vực: sản xuất con giống - nuôi trồng - sản xuất thức ăn - chế biến thủy sản - chế biến phụ phẩm - xuất khẩu.

2Catra
"vua cá tra" Hùng Vương cũng vướng phải khoản nợ lớn. Ảnh: Vietnammet

Thông qua chiến lược M&A, doanh nghiệp này đã xây dựng được một “đế chế” thủy sản và giá cổ phiếu thời hoàng kim có khi lên trên 100.000 đồng/cp. Tuy nhiên hiện tại giá cổ phiếu của doanh nghiệp này ngày một lùi xa so với mệnh giá.

Gần đây nhất, cổ phiếu của doanh nghiệp “vua cá tra” Hùng Vương cũng được đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân được HoSE đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2016 bị âm 49,3 tỷ đồng dựa vào Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 (niên độ tài chính 1/10/2015 - 30/9/2016).

Các khoản nợ mà doanh nghiệp này cần cân đối là điều mà cổ đông quan tâm hơn cả. Các chỉ tiêu trên bảng cân đối kế toán, đặc biệt là phải thu và vay nợ đang thực sự gây khó. Tổng vay nợ của HVG là hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay ngắn hạn (7.650 tỷ đồng). Các khoản vay được thế chấp bởi một số hàng tồn kho. Và con số vay nợ cao đã đẩy chi phí tài chính tiếp tục tăng từ 440 tỷ lên 577 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia chứng khoán đánh giá việc dựa vào M&A để tăng trưởng đang khiến cho HVG khó kiểm soát hoạt động của mình. Thông tin gây sốc nhất cho nhà đầu tư là việc báo cáo sau kiểm toán công ty lỗ ròng 49,3 tỷ đồng (phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ) trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi 309 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất còn vỏn vẹn 9,7 tỷ đồng - giảm gần 90% so với báo cáo trước kiểm toán và giảm 93% so với năm trước.

Ngoài những cổ phiếu trên, còn không ít cổ phiếu bluechip một thời rơi vào trạng thái giao dịch dưới mệnh giá. Cụ thể như OGC của Ocean Group, VOS cảu tập đoàn Vận tải biển VOSCO... Sau những nỗ lực giải quyết khối nợ khổng lồ, đến nay những vấn đề về tình hình tài chính vẫn chưa được cải thiện và những “cổ phiếu vua” một thời này đang chật vật tìm đường trở lại mệnh giá.

Tác giả bài viết: Bình Nguyên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP