Kinh tế

Thịt thối, sữa nhiễm độc: Bê bối bên Tây khiến dân Việt lo sợ

Thịt bẩn nhập từ Brazil, thịt gà Mỹ nhập khẩu nhiễm khuẩn, hoa quả Thái Lan, hoa quả Trung Quốc không kiểm soát hết về chất lượng,... Nhiều vụ việc được khui ra khiến các bà nội trợ Việt vốn “sính ngoại” đau đầu. Niềm tin vào thực phẩm ngoại, vốn được cho là an toàn, liệu có còn?

Bê bối thực phẩm chấn động

Bất an với chất lượng thực phẩm trong nước, người Việt tin rằng thực phẩm ngoại sẽ an toàn hơn. Song, không phải hàng ngoại nào cũng tốt, cũng đảm bảo chất lượng. Gần đây, có nhiều vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện khiến thế giới lo sợ.

Vụ việc mới nhất, chỉ cách đây vài ngày, đó là Bộ Nông nghiệp và các cơ quan chức năng Brazil đang tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ cáo buộc nhiều công ty đã hối lộ các nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn. Trong đó, có JBS và BRF - hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil cũng như toàn cầu.

20170322173007 thit brazil
Bê bối thịt và sản phẩm thịt Brazil chấn động toàn thế giới

Cơ quan chức năng nước này phát hiện trong các sản phẩm thịt chế biến của các hãng trên có cả salmonella, loại khuẩn biến thức ăn thành độc hại với con người. Ngoài ra, nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh; để làm mất mùi hôi, họ còn dùng các loại a-xít không được phép dùng trong thực phẩm,...

Vụ việc ngay lập tức gây chấn động ngành thương mại thịt, khi thịt và các sản phẩm thịt của Brazil có mặt ở 150 nước và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt toàn thế giới.

Việt Nam cũng nằm trong số 150 quốc gia nói trên, với kim ngạch nhập khẩu thịt từ Braxil là 12,8 triệu USD, chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Trên thực tế, có nhiều vụ việc về chất lượng thực phẩm ngoại đã xảy ra mà các bà nội trợ Việt không thể tặc lưỡi nói “chuyện hiếm ít khi xảy ra nên không cần lo”.

Trước đó, giữa năm 2016, hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan công bố hơn 57% mẫu xét nghiệm rau và trái cây được dán nhãn đạt chuẩn vẫn có hàm lượng chất độc cao. Ngoài ra, 25% sản phẩm có chứng nhận hữu cơ có dư lượng hoá chất vượt ngưỡng cho phép. Tất cả mẫu cam và ổi cũng chứa chất độc vượt chuẩn. Khoảng 71% thanh long, 66% đu đủ và 44% xoài Nam Dokmai cũng bị vượt quá mức cho phép.

Trong khi đó, hoa quả Thái Lan những năm gần đây xuất hiện ngập chợ và siêu thị. Và người Việt sính ngoại đã chi tới trên 400 triệu USD để nhập rau quả Thái Lan trong năm 2016, nhiều gấp đôi so với nhập từ Trung Quốc.

Còn năm 2015, hàng loạt vụ bê bối về thực phẩm bẩn cũng được khui ra, như: vụ tồn trữ hàng 100.000 tấn thịt đông lạnh 40 năm ở Trung Quốc, vụ thịt gà Mỹ nhiễm độc, mỳ tôm Ấn Độ nhiễm chì, trà sữa chân châu Trung Quốc làm bằng lốp xe và đế giày,...

Hay năm 2008 là vụ sữa chứa melamine tại Trung Quốc.

Đến năm 2012, Nhật Bản - quốc gia vốn kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng thực phẩm, sản xuất ra những sản phẩm được cho là tốt nhất thế giới - cũng vướng vào nghi vấn khi 2 sản phẩm sữa là Wakodo và Morinaga bị Hồng Kông - Trung Quốc thu hồi vì có hàm lượng i-ốt thấp dưới mức quy định, khiến các bà mẹ nuôi con nhỏ tại Việt Nam hoang mang.

2 hoa qua thai lan
Nhiều loại trái cây Thái Lan bị phát hiện có chứa chất độc vượt mức an toàn

Nên tỉnh táo trước hàng ngoại

Theo lẽ thường, khi nhiều loại thực phẩm ngoại vướng bê bối về chất lượng, người tiêu dùng càng phải cảnh giác, thậm chí dè chừng. Song, ở Việt Nam, các bà nội trợ vẫn đặt niềm tin rất lớn vào hàng ngoại.

Trong gian bếp của nhiều bà nội trợ, từ gói mì tôm, củ khoai lang,... cho đến thịt cá, trứng sữa hay gia vị nấu ăn, 100% đều là hàng ngoại.

Thực phẩm ngoại cũng được bày bán phổ biến, từ siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống cho tới “chợ mạng”, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua, kể cả khi giá có đắt đỏ đến đâu.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thừa nhận người Việt Nam đúng là ngày càng sính ngoại hơn. Thế nên, có những gia đình còn bay sang Thái Lan, Singapore để sắm thực phẩm ăn Tết.

Theo ông Phú, thực phẩm ngoại không phải hàng nào cũng tốt. Ví như, có loại cá giá cả mấy triệu đồng/kg hay hoa quả tiền triệu thì có thể an toàn; song chỉ giới nhà giàu mới mua được. Còn người có thu nhập trung bình thì chỉ mua được những loại hàng ngoại giá rẻ.

“Ở Việt Nam, dân vốn đã sính ngoại. Mấy năm gần đây, các loại thịt bò, gà Mỹ, Brazil,... được nhập về bán với giá siêu rẻ khiến nhiều người chuộng hơn. Thế nên, thịt ngoại được bày bán ngập tràn”, ông Phú nói.

Theo ông Phú, cứ đà này, Việt Nam rất có thể trở thành cái rốn của thế giới về vấn đề tiêu thụ thực phẩm giá rẻ và không an toàn. Trong khi đó, thực phẩm giá rẻ thường đi kèm chất lượng thấp. Để kiểm tra chất lượng thì là việc của cơ quan chức năng, người dân chỉ biết rẻ thì mua.

Ông Phú cho rằng, thực phẩm của Việt Nam từ trước đến nay vướng quá nhiều scandal liên quan đến an toàn vệ sinh nên người Việt quay lưng. Do đó, để giúp người Việt tin tưởng và dùng hàng Việt, cần làm tốt khâu chất lượng - yếu tố sống còn để người dân yên tâm sử dụng, tránh được hàng ngoại độc hại.

Tác giả bài viết: Như Băng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP