Món ăn bình dị mà hấp dẫn của núi rừng không thể bỏ qua thịt lợn muối chua. Cách chế biến của người Mường ở Hòa Bình hay người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ khá giống nhau. Người dân thường trữ sẵn vài ống thịt chua trong nhà, phòng khi có khách tới chơi.
Nguyên liệu của món ăn không quá cầu kỳ gồm thịt lợn và men thính, nhưng cần lựa chọn cẩn thận. Thịt lợn vùng cao là loại lợn lửng, nặng không quá 30kg, thịt thơm mà ít mỡ, ăn săn chắc, có vị ngọt tự nhiên, khác hẳn lợn dưới xuôi. Theo quy trình bình thường, thịt sau khi làm sạch được thái nhỏ rồi ướp đậm đà. Nếu muốn thịt nhanh “ngấu”, có thể luộc tái rồi mới chế biến.
Bí quyết để có món thịt lợn chua thành công chính là nguyên liệu làm men thính. Gạo rang vàng, giã nhỏ, rây mịn rồi để nguội. Men muối thịt còn được làm từ đủ loại lá rừng như lá mít, lá quế, lá trầu không, riềng khô, rượu nếp cái… Sau đó, những nguyên liệu này trộn cùng thịt lợn, nêm nhiều muối và riềng giã nhỏ, trộn đều tay cho ngấm.
Công đoạn ủ chua cũng lắm công phu. Người Mường ở Hòa Bình thường nhồi thịt vào ống tre to. Đáy và đầu ống bắt buộc phải có lá ổi hoặc lá sung, rồi lèn chặt bằng nẹp tre. Ống nem được gác lên bếp, chờ độ 2 tuần là “thịt chín”.
Món thịt muối chua đã làm nên thương hiệu xứ Mường. Miếng thịt có vị ngọt đậm, tê đầu lưỡi của riềng, bùi ngậy của thính, chua tự nhiên nhờ quá trình lên men. Khi thưởng thức, món ăn được dùng kèm với nhiều loại lá rừng, nhấm nháp thêm chút rượu ngô là đủ vị.
Tác giả bài viết: Hoàng Hà